Vai trò của trí thức trong Cách mạng Tháng Tám ở Trà Vinh
Sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Ðảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo từ năm 1930 luôn luôn coi trọng vai trò của trí thức. Trong xây dựng phát triển lực lượng cách mạng - một trong những vấn đề cơ bản của chiến lược cách mạng - Ðảng chú trọng tập hợp công nhân, nông dân, trí thức, hình thành liên minh nền tảng, hạt nhân để xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất. 

Sau khi thành lập ngày 03/02/1930, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành các cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) đã giác ngộ hàng triệu quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị đông đảo chuẩn bị điều kiện để bước vào cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945). 
Ngày 09 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, Trung ương Đảng kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào đánh đuổi phát xít Nhật, làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến, thành lập chính quyền của Nhân dân. Khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương, các chiến khu, căn cứ địa cách mạng được đẩy mạnh xây dựng. Nắm bắt thời cơ cách mạng, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1945 kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 25 triệu đồng bào ta với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta !“ đã nhất tề vùng lên tiến hành khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về Nhân dân, chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và hàng nghìn năm của phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Tại Trà Vinh, chiều ngày 24 tháng 8 năm 1945, Tỉnh uỷ Trà Vinh nhận được lệnh  khới nghĩa của Xứ uỷ Nam Kỳ. Ngay sau khi nhận được lệnh, Hội nghị Tỉnh uỷ được triệu tập vào lúc 18 giờ tại một địa điểm gần bến xe Trà Vinh (nhà số 37, cơ quan giao liên). Hội nghị quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh vào đúng thời điểm theo lệnh Tổng khới nghĩa của Xứ uỷ. Hội nghị quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa, gồm toàn bộ các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Dương Quang Đông, Bí thư Tỉnh uỷ giữ chức vụ Chủ tịch Ủỷ ban khởi nghĩa.
Ngay sau khi thành lập, Uỷ ban khởi nghĩa gấp rút triển khai kế hoạch chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, kế hoạch tổng khởi nghĩa được thông qua với sự nhất trí cao. Uỷ ban khới nghĩa phát lệnh Tổng khởi nghĩa đến Trưởng ban khởi nghĩa các địa phương trong tỉnh và chương trinh khởi nghĩa được bí mật triển khai đến mọi nhà, đồng bào Kinh - Khmer - Hoa… Trà Vinh nhất tề hưởng ứng.
Trong đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng 8, khởi nghĩa nổ ra trước tại tỉnh lỵ, sau đó toả xuống các quận lỵ rồi lan về các xã trong tỉnh. Tại tỉnh lỵ Trà Vinh, các mục tiêu quan trọng đều bị bao vây vào nửa đêm 24 tháng 8 bởi các lực lượng quần chúng cách mạng, trong đó lực lượng Thanh niên Tiền phong giữ vai trò nòng cốt. Phần lớn lực lượng địch trong các cứ điểm ở tỉnh lỵ chỉ chống cự một cách yếu ớt rồi phải buông súng đầu hàng. Tuy vậy, vẫn có những tốp lính địch ngoan cố không chịu đầu hàng. Tại đây,  lực lượng cách mạng phải dùng vũ khí tấn công, đến rạng sáng 25 tháng 8, tên cầm đầu và đồng bọn phải buông súng đầu hàng. Đến rạng sáng ngày 25/8/1945, toàn bộ các cứ điểm của địch ở tỉnh lỵ Trà Vinh đã thuộc quyền kiểm soát của của lực lượng cách mạng, chính quyền thân Nhật tại tỉnh Trà Vinh đã bị đập tan.
Ngay sau khi lực lượng khởi nghĩa ở Trà Vinh giành thắng lợi, các lực lượng khởi nghĩa ở các quận Càng Long, Cầu Ngang, Trà Cú, Cầu Kè… cũng lần lượt giành thắng lợi. Đến chiều ngày 25/8, toàn bộ chính quyền cấp quận của địch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã bị đập tan. Đồng thời, quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã tổ chức ra những hình thức khác nhau của chính quyền dân chủ nhân dân. 
Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 cả nước nói chung, Trà Vinh nói riêng có tầm vóc to lớn cả về quân sự và chính trị, thể hiện sự sáng suốt, đúng đắn, kịp thời trong chỉ đạo chiến lược của Đảng, trong việc phân tích vai trò của từng bộ phận nhân dân và xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận, tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ và quyết tâm ở mức cao nhất cho trận quyết chiến chiến lược để giành chính quyền về tay Nhân dân. Điểm đặc biệt tạo nên thành công vang dội là Đảng đã nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của từng giai cấp, tầng lớp trong xã hội để đặt họ vào đúng vị trí của mình, phát huy đúng năng lực mà họ vốn có. Trong các giai tầng ấy, trí thức đã được Đảng, Bác Hồ đánh giá là lực lượng đặc biệt, có nhiệt huyết cách mạng và khả năng dự báo thời cuộc, có thể giúp Đảng trong hoạch định chính sách và dẫn dắt nhân dân trong tiến trình cách mạng. Ngay từ năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã thông qua Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng đã ghi rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh Niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”. Sau khi Nhật đã tiến hành đảo chính Pháp, tuyên bố “trao trả độc lập” cho Việt Nam, chủ trương tập hợp thanh niên để “bảo vệ độc lập” mà Nhật vừa tuyên bố. Nhân dịp này, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, tập hợp thanh niên yêu nước làm xung kích và nòng cốt vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tham gia Thanh niên Tiền phong có nhiều trí thức như: Kỹ sư Kha Vạng Cân (Chủ tịch Hội đồng quản trị), bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Tổng Thư ký), kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (Trợ lý Tổng Thư ký), luật sư Thái Văn Lung (Thủ lĩnh Thanh niên), bác sĩ Nguyễn Văn Thủ (Thủ lĩnh Thể thao), sinh viên Huỳnh Văn Tiểng (Tráng trưởng Thanh niên), Nguyễn Đăng, Hồ Văn Nhựt, Huỳnh Bá Nhung, dược sĩ Trần Kim Quan, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Lê Văn Nhàn, Mai Văn Bộ…
  Ở Trà Vinh, đầu tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền Phong tỉnh Trà Vinh ra đời và do các trí thức làm lãnh tụ như: Ban lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên Tiền phong có Từ Bá Đước, Mạch Dùng (bác sĩ) Nguyễn Duy Khâm (nhà giáo); ở Cầu ngang có Huỳnh Nhật Thăng (nhà giáo), Nguyễn Trí Tài (nhà giáo); ở Trà Cú có Đỗ Văn Nại (nhà giáo), Cao Phát Thành; ở Châu Thành có Dư Nhật Thăng (nhà giáo) Vương Nghiễn (nhà giáo), Lâm Phái (nhân sĩ Khmer); ở Tiểu Cần có Maha Sơn Thông (trí thức Khmer), Nguyễn Văn Tân (nhà giáo), Huỳnh Công Sáng. 
Trong cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám, một số trí thức như Nguyễn Duy Khâm, Từ Bá Đước, Nghiêm Khai Cơ… tham gia vào Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh. Ủy ban Khởi nghĩa các huyện cũng có nhiều vị trí thức nổi tiếng ở địa phương. Khi lệnh Tổng khởi nghĩa được công bố, lực lượng Thanh niên Tiền phong dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đảng viên Cộng sản và các nhân sĩ trí thức từ các quận đổ về, phối hợp cùng quần chúng nhân dân tỉnh lỵ vùng lên cướp chính quyền( ). 
Trong không khí sôi sục tổng khởi nghĩa của quần chúng trên khắp tỉnh Trà Vinh, sáng ngày 25/8/1945, tại tỉnh lỵ Trà Vinh, Uỷ ban hành chính lâm thời được thành lập, đứng đầu là Từ Bá Đước. Trong cuộc mittinh, Bí thư Tỉnh uỷ Dương Quang Đông và Chủ tịch Uỷ ban Hành chính lâm thời tỉnh Trà Vinh Từ Bá Đước kêu gọi toàn dân trong tỉnh giữ vững khối đoàn kết dân tộc, ra sức xây dựng cuộc sống mới ấm no( ).  Sáng ngày 28 tháng 8, một cuộc mitinh lớn diễn ra tại sân vận động tỉnh Trà Vinh. Tại đây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chính thức ra mắt đồng bào các dân tộc trong tỉnh. do Nhà giáo Nguyễn Duy Khâm làm Chủ tịch( ), Nhà giáo Nguyễn Văn Tân giữ nhiệm vụ Tổng thư ký. Ở các huyện, đội ngũ trí thức được giác ngộ và tích cực tham gia cướp chính quyền cũng giữ vai trò quan trọng trong chính quyền Nhân dân và lực lượng quân sự, công an địa phương. 
Như vậy, trong tổng khởi nghĩa và xây dựng chính quyền mới của Nhân dân, trí thức thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích, dẫn dắt nhân dân phá tan xiềng xích nô lệ để vươn lên địa vị làm chủ bản thân, làm chủ đất nước.
Phát huy truyền thống của các thế hệ trí thức đi trước; khẳng định vị trí, vai trò của trí thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Trà Vinh trở thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2025 và là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và năm 2030, đội ngũ trí thức tỉnh Trà Vinh phải thật sự tâm huyết với quê hương, hành động hết mình vì công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có phẩm chất tốt, hành động quyết liệt, làm trụ cột và có sức lan toả ở mỗi tập thể, đơn vị, địa phương. Giải quyết công việc nhanh chóng, nói đi đôi với làm, năng động, sáng tạo trong vận dụng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để công việc được tiến hành nhanh hơn, hiệu quả hơn. Luôn khiêm tốn, ứng xử có văn hoá, ân cần, trọng thị, tạo mọi thuận lợi đối với các doanh nghiệp, đối tác trong tỉnh cũng như doanh nghiệp ngoài tỉnh đến đầu tư ở Trà Vinh. Song cũng cần cần hoàn thiện hơn nữa chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức hoạt động và phát triển nghề nghiệp, phát triển năng lực sáng tạo bằng chính công sức, lao động, trình độ, tài năng, phẩm chất và uy tín của mình. Trong đó, có cả việc tạo điều kiện để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tiếp tục phát triển, là một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh nhà; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên hoạt động trong các hội, có trách nhiệm trong công tác tư tưởng, vận động trí thức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của trí thức, góp phần củng cố khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức, là nhân tố quan trọng đưa khoa học-công nghệ trở thành động lực phát triển  kinh tế - xã hội tỉnh nhà là nhân tố quan trọng trong hệ thống chính trị và hạt nhân nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Trần Bình Trọng 
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn VH-XH

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 11
  • Trong tuần: 673
  • Tất cả: 595487