Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới nhiệm vụ này. Người cho đây là “kẻ thù nguy hiểm”, “là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”, nó làm hỏng tinh thần và phá hoại đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.
Bởi vậy, Bác Hồ đã có nhiều bài nói, bài viết đề cập trực tiếp tới nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và quan liêu. Người thường xuyên nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Người là hình ảnh tiêu biểu của đạo đức cách mạng, là tấm gương trong sáng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và quan liêu mà mỗi người và từng tổ chức của cả hệ thống chính trị phải thường xuyên rèn luyện, học tập, noi theo.
Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo nguy cơ tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong bộ máy và đội ngũ cán bộ. Người chỉ rõ nạn tham nhũng, lãng phí và quan liêu, là một thứ “giặc nội xâm” rất nguy hiểm. Bởi vậy, sau khi tuyên bố độc lập một ngày (ngày 3/9/1945) Người đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay, trong đó có nhiệm vụ “giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”.
Tiếp đó, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 7/1952, trong bài phát biểu Người nhấn mạnh: Bệnh quan liêu, nạn tham nhũng, lãng phí nguồn gốc trong xã hội cũ mà ra. Chúng ta không lấy làm lạ, nhưng mấy năm sau cách mạng mà tham nhũng, lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ ta là vì giáo dục thiếu sót. Chúng ta phải sửa chữa một cách có kế hoạch, có chuẩn bị.
Người từng chỉ rõ: Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nhà nước, các chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi, nước mắt để đóng góp. Những kẻ tham nhũng, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám.
Vì vậy, theo Người chống tham nhũng, lãng phí và quan liêu cũng quan trọng như đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng, chính trị.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, giám đốc nhà quân nhu - đại tá Trần Dụ Châu phạm tội tham ô, lợi dụng chức quyền biển thủ 57.950 đồng bạc Việt Nam, 449 USD, 28 tấn lụa vải xanh, nhận 20 vạn đồng tiền hối lộ của người dưới quyền, sống xa hoa, trụy lạc, kéo bé phái, gây chia rẽ nội bộ, vụ lợi riêng, nên ngày 5/9/1950 đã bị tòa án binh tối cao tuyên phạt mức án tử hình. Điều đó cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Sau vụ Trần Dụ Châu, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 15 đến 17 tháng 11 năm 1950, trong bài phát biểu kết luận của Bác Hồ đã căn dặn: Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ.
Cũng trong thời gian này, Bác Hồ còn có nhiều bài viết căn dặn, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân ta thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Đồng thời Người nghiêm khắc phê phán những cán bộ phạm phải căn bệnh nguy hiểm nói trên. Đó là bài: Chống quan liêu, tham ô, lãng phí (tháng 9/1952). Người viết:
“Tất cả cán bộ đều là đầy tớ của dân.
Quan liêu là những người phụ trách mà chỉ biết yên thân.
Xa cách cán bộ, nhân dân và việc làm
Việc gì cũng nhắm mắt ký thàm
Không biết cán bộ tốt hay xấu, việc làm đúng hay không
Quan liêu “ngài” không biết đề phòng
Do đó mà tham ô, lãng phí mọc từ trong đến ngoài
Tham ô là những cán bộ chỉ lo phát “hoạnh tài”.
Đục khoét của nhân dân, bộ đội chính phủ, đoàn thể
Của ai họ cũng trộm làm của mình.
Để họ tiêu xài xa xỉ, linh đình
Tội ác ấy thật là to lớn, tâm tình ấy thật là nhuốc nhơ
Lãng phí là những cán bộ ngẩn ngơ
Không biết thương tiếc của cải và thời giờ của Chính phủ và nhân dân.
Đáng tiêu một phần thì tiêu đến 10 phần, 100 phần
Việc một người làm được, cũng kéo gấp đến 10 người, 100 người
Tham ô có tội đã đành rồi.
Tai hại đến của dân, của nước thì lãng phí cũng là tội to.
Hỡi những người quan liêu, lãng phí và tham ô!
Cần, kiệm, liêm, chính các người để ở mô cả rồi.
Đoàn thể và Chính phủ, nhân dân và bộ đội, ủy thác cho các người.
Mà các người làm hỏng việc thì tội này ai mang
Cho nên toàn dân ta phải đứng dậy hiên ngang
Quyết tâm chống quan liêu, tham ô, lãng phí trong hàng ngũ ta.
Mấy câu mộc mạc, nôm na
Xin mọi người ghi nhớ đem ra thực hành”.
Sau này, nội dung đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và quan liêu còn được Người nêu lên trong nhiều bài nói, bài viết tại các Hội nghị Trung ương, ở những buổi làm việc với lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương, cũng như ở nhiều bài viết quan trọng khác! Điều đó cho thấy đây là một nội dung xuyên suốt trong cuộc đời đấu tranh hoạt động của Bác Hồ, là vấn đề được Người thường xuyên quan tâm để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Ngày nay, Đảng ta xác định tham nhũng là trong một quốc nạn. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của từng tổ chức, của mỗi cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định tiếp tục thực hiện kiên trì, kiên quyết cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Điều đó thể hiện Đảng ta đã và đang quyết tâm thực hiện kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xử lý nghiêm minh bất kể chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Biểu dương và nhân rộng những gương "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" như những gì mà Bác Hồ kính yêu căn dặn.
Trương Thi