Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, gắn thực hiện công tác tín ngưỡng, tôn giáo với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình của các cấp, các ngành, địa phương về tín ngưỡng, tôn giáo được đẩy mạnh.
Các tổ chức tôn giáo hoạt động cơ bản ổn định, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; chung sức, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, như: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, nhà tình thương, tổ chức bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn và quà các hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn,… với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng, góp phần cùng các cấp, chính quyền địa phương đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương,...
Xây dựng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo, dân tộc về công tác vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, tổ chức tôn giáo, dân tộc thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ đã đã xây dựng 81 cốt cán phong trào trong tôn giáo; phối hợp với các sở, ngành tỉnh, huyện mở các lớp bồi dưỡng([1]). Qua đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền đối với công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cốt cán trong tôn giáo, bổ sung đội ngũ cốt cán mới theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Trước đây, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh từng lúc có nhiều diễn biến phức tạp. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác vận động quần chúng ở cơ sở còn nhiều bất cập, một phần do chưa xây dựng và phát huy tốt vai trò của lực lượng cốt cán trong tôn giáo. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở cơ sở còn nhiều hạn chế, chất lượng công tác tuyên truyền chưa cao; chưa quan tâm nắm bắt, phản ánh, phối hợp xử lý những vấn đề bức xúc nảy sinh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; tình trạng tuyên truyền một chiều từ trên xuống, chưa chủ động lắng nghe tiếp nhận thông tin, phản ứng của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ; thiếu sự chủ động trong đối thoại, gặp gỡ trao đổi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chưa kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Đáng nói là, việc truyền bá, lôi kéo người dân tham gia hoạt động truyền đạo trái phép xảy ra ở một vài địa phương trên địa bàn tỉnh. Tình hình khiếu kiện liên quan đến đất đai có yếu tố tôn giáo diễn biến phức tạp (vụ chùa Mê Păng, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, vụ chùa Phước Long, ấp Chợ, xã An Quãng Hữu, huyện Trà Cú, vụ đất Chợ nhà thờ Cổ Chiên, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành,…), đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh. Để quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác tôn giáo. Bên cạnh đó, lực lượng cốt cán trong tôn giáo còn chủ động tham gia giải quyết một số vụ nảy sinh phức tạp trong cộng đồng dân cư; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, cơ sở như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu”, câu lạc bộ “tuyên truyền giáo dục, cảm hóa đối tượng tại cơ sở tôn giáo”, “trong nhà có Mõ, ngoài ngõ có Đèn”,… tham gia xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, tặng thẻ bảo hiểm cho gia đình gặp khó khăn, tặng quà cho các hộ nghèo nhân các dịp lễ tết,… Đặc biệt, là thực hiện công tác an sinh xã hội trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đã góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế như: một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp chưa thật sự nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hình thành lực lượng cốt cán trong tôn giáo; chưa quan tâm đến công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Một số chính quyền cơ sở, chưa thật sự quan tâm đến công tác phối hợp để sử dụng, phát huy hiệu quả của lực lượng cốt cán trong việc nắm tình hình trong tôn giáo. Chưa quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng cốt cán trong vùng đồng bào có đạo, đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở một số nơi chưa quan tâm thường xuyên công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương đề ra; việc xác định, lựa chọn đối tượng để xây dựng cốt cán chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao hiểu biết cho lực lượng cốt cán trong tôn giáo về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ thiếu thường xuyên.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo và chăm lo đời sống cho đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh, rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, thực hiện tốt công tác quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Xác định công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng.
Hai là, công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo phải bảo đảm quy trình chặt chẽ, đúng mục đích, yêu cầu; phân công cán bộ có trình độ, năng lực, uy tín và lựa chọn đối tượng phù hợp để bồi dưỡng, giao nhiệm vụ; kịp thời chọn lọc, xử lý và giải quyết có hiệu quả các nguồn tin do lực lượng cốt cán trong tôn giáo cung cấp và giữ bí mật, bảo đảm an toàn cho lực lượng này trong quá trình hoạt động.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng vào tổ chức, từ đó lựa chọn những đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu để bồi dưỡng xây dựng cốt cán trong tôn giáo làm nòng cốt cho tổ chức và trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở. Trong quá trình xây dựng và giao nhiệm vụ cho lực lượng cốt cán trong tôn giáo, cán bộ xây dựng lực lượng này phải giữ mối quan hệ chặt chẽ với họ; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, theo dõi, giúp đỡ và động viên, khen thưởng, nhằm khích lệ tinh thần cho họ hoạt động hiệu quả.
Bốn là, quá trình thực hiện phải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót; khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng cốt cán trong tôn giáo, kịp thời thay thế những cốt cán thiếu tinh thần, trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ.
Năm là, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế văn hóa, xã hội của địa phương; âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch và các phần tử xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng cho lực lượng cốt cán trong tôn giáo, qua đó tuyên truyền, giải thích, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ thực hành tôn giáo đúng quy định của pháp luật.
Theo Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh
Nguồn: https://tuyengiao.travinh.gov.vn/1458/39703/71968/698795/sinh-hoat-tu-tuong/xay-dung-luc-luong-cot-can-phong-trao-trong-ton-giao-o-tinh-tra-vinh