HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH: PHỤ NỮ VỚI TINH THẦN HỌC VÀ TỰ HỌC

“Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau” là những lời tâm sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm trong lần về thăm quê hương Nghệ An năm 1961, đã cho thấy tầm quan trọng của tinh thần học tập suốt đời đối với mỗi cá nhân nói riêng và với sự nghiệp cách mạng nói chung. Đối với phụ nữ, tinh thần học và tự học lại càng có ý nghĩa, sâu sắc hơn trong công cuộc xây dựng đất nước.

Thời phong kiến, người phụ nữ thường chịu thiệt thòi, bị trói buộc bởi đạo Tam Tòng trong tư tưởng Nho giáo, ít được học chữ, công việc thường gắn liền với khuôn khổ gia phong, lúc nhỏ phụ cha mẹ làm công việc nhà, học cách quán xuyến gia đình không phải để tiến thân mà để chuẩn bị làm vợ, làm dâu, làm mẹ trong một gia đình mới khi lớn lên. Tuy nhiên, vượt qua những định kiến của xã hội xưa, vẫn có những người phụ nữ đã trở thành tấm gương tri thức tiêu biểu như: Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà; Bà huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) – nhà giáo nổi tiếng đất Thăng Long,…

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chị em công nhân làm việc thêm ca ở Xí nghiệp sửa chữa ô tô 1/5 Hà Nội, ngày 19/12/1963 - Ảnh tư liệu, nguồn: phunuvietnam.vn

Thời nay, bên cạnh việc kế thừa những phẩm chất “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” tốt đẹp mà người phụ nữ Việt Nam truyền thống để lại, góp phần hoàn thành vai trò hậu phương vững chắc thì “Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa” như lời Bác đã chỉ rõ tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc ngày 01/8/1960. Phụ nữ trong xã hội ngày nay có nhiều cơ hội được học tập hơn, nâng cao trình độ bản thân góp phần xây dựng đất nước. Trong đó phải kể đến những người phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn như: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – Bà từng là Trưởng đoàn Đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam và là người phụ nữ duy nhất ký vào bản Hiệp định 4 bên; Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên – CEO tập đoàn Vinamilk,…

Không chỉ riêng phụ nữ, nhiều người trong chúng ta cũng đã từng tự hỏi: Học để làm gì? “Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình...” câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định ý nghĩa của việc học - Trước tiên là để tự hoàn thiện bản thân mình. Xã hội ngày càng phát triển, muốn đạt được mục tiêu, mang lại ý nghĩa trong cuộc sống, mỗi người phải không ngừng cố gắng nỗ lực, chủ động phát triển năng lực để bắt kịp sự phát triển. Thứ hai, học để đóng góp cho xã hội – Khi đã trang bị đủ kiến thức, kỹ năng nhất định, việc làm của mỗi người, dù ít hay nhiều nếu mang lại ý nghĩa tích cực đều góp phần xây dựng cộng đồng ngày càng tốt đẹp, văn minh.

Kiến thức là vô tận, nhưng kiến thức không chỉ đến từ sách vở mà còn đến từ thực tiễn, đời sống. Việc học tập không phân biệt tuổi tác, trình độ, địa vị hay hoàn cảnh xã hội mà phụ thuộc vào nhu cầu mỗi con người. Bên cạnh trang bị kiến thức chuyên môn, thì “Học ăn, học nói, học gói, học mở” cũng vô cùng quan trọng, có rất nhiều lĩnh vực mà người phụ nữ có thể học để phát triển bản thân bằng cách tận dụng tất cả cơ hội học hỏi từ những điều nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày như học cách quan sát, học cách ứng xử, giao tiếp với mọi người xung quanh,…

Quan điểm Bình đẳng giới là chỉ đấu tranh cho phụ nữ là không đúng, vì bình đẳng giới chỉ có ý nghĩa khi đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của tất cả các giới tính. Mỗi cá thể, nếu đã có mục tiêu phấn đấu đều xứng đáng nhận được sự khích lệ. Tuy nhiên, dù xã hội ngày nay đã cởi mở hơn trong nhận thức, nhưng một bộ phận phụ nữ vẫn còn e dè, ngần ngại chưa dám thể hiện hết năng lực bản thân. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người phụ nữ vừa có thể tham gia công việc xã hội, chia sẻ nỗi lo kinh tế với người đàn ông vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ. Vì vậy, cộng đồng cần có sự chung tay cổ vũ, động viên những người phụ nữ phát triển bản thân, góp phần xây dựng xã hội. Với tư cách là thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó có việc hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Trong năm 2022, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Quyết định số 04-QĐ/ĐĐ ngày 09/5/2022 về việc phê duyệt các chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhiệm kỳ 2024 – 2029, trong đó 05/06 chức danh được quy hoạch đều có đối tượng là nữ. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ để phát huy hết năng lực, sức sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Năm 2023, với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” - Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới sẽ diễn ra từ ngày 15/11/2023 đến ngày 15/12/2023. Đây là đợt cao điểm trong công tác truyền thông trên toàn quốc nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ chính gia đình và cộng đồng xã hội, thì sự nỗ lực của bản thân người phụ nữ trong việc phát huy năng lực vốn có là vô cùng quan trọng, trong đó có tinh thần học và tự học. Qua đó, góp phần kế thừa truyền thống vẻ vang của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời khẳng định vị trí vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp.

TRƯỜNG AN


Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 896
  • Trong tuần: 7,574
  • Tất cả: 510,270