Vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh trong tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, kinh nghiệm, giải pháp
Xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nhiệm vụ lâu dài và thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh thực hiện thắng lợi các chương trình XDNTM. Sau khi có các văn bản của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng các hướng dẫn để tuyên truyền, vận động Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng phong trào XDNTM. Trên cơ sở đó, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp trong tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam các cấp, nội dung, tiêu chí XDNTM đạt được kết quả quan trọng. 

Tọa đàm MTTQ Việt Nam tham gia tuyên truyền, vận động, giám sát xây dựng NTM

Trong 10 qua, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân XDNTM, đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại hình canh tác khác; xây dựng 1.022 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; vận động Nhân dân đóng góp với số tiền 185,78 tỷ đồng, đóng góp 291.461 ngày công, tự nguyện hiến 1.887.143 m2 đất để làm đường, công trình dân sinh XDNTM. Qua công tác tuyên truyền, vận động nhiều địa phương đã có nhiều cách làm linh hoạt sáng tạo nhằm huy động được nhiều nguồn lực, tạo phong trào thi đua XDNTM ở mỗi cộng đồng, nhất là việc vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông liên thôn, đường nội đồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; tích cực cơ cấu lại cây trồng vật nuôi, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh hộ, kinh doanh cá thể sang hình thức liên doanh, liên kết theo mô hình Hợp tác xã (HTX) kiểu mới; tổ chức mở rộng các ngành nghề, làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản phẩm của địa phương...; Thông qua thực hiện Quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội, MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân ủng hộ 312,817 tỷ đồng, hỗ trợ 7.214 căn nhà cho hộ nghèo, 223.665 suất quà cho hộ nghèo, hỗ trợ 131.186 quyển tập, 981 chiếc xe đạp, 24.734 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học tập; hỗ trợ người nghèo khám, chữa bệnh 243.560 trường hợp; xây dựng 217 cầu giao thông nông thôn, 133 giếng nước bơm tay, giúp phát triển sản xuất 566 hộ, hỗ trợ xây dựng 501 hố xí. Từ nguồn Quỹ đã giúp cho nhiều địa phương thực hiện hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo đảm bảo các tiêu chí về nhà ở trong chương trình XDNTM, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,97% cuối năm 2018.
Qua kết quả đạt được trong 10 năm qua, vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể được khẳng định rõ hơn trong phối hợp tham gia vận động nhân dân thực hiện các nội dung cụ thể của xây dựng nông thôn mới phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của mình, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 42 trong tổng số 85 xã đạt chuẩn NTM, hai trong tổng số 9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.


Lễ khởi công các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn các xã Nhị Long Phú, Đại Phước, huyện Càng Long

Thực hiện Hướng dẫn số 78/HD-MTTW-BTT, ngày 24/4/2017, Hướng dẫn số 122/HD-MTTW-BTT, ngày 16/01/2019 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả XDNTM. Tính từ tháng 6/2017 đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức lấy ý kiến được trên 53.093  lượt ý kiến của người dân về công nhận cấp huyện và xã đạt chuẩn NTM, với 02 huyện, 24 xã (trong đó, có huyện Tiểu Cần được công nhận đạt chuẩn NTM và thị xã Duyên Hải công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 24/24 xã đảm bảo tỷ lệ hài lòng của người đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM). Việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân thông qua phiếu đánh giá được thực hiện khách quan, đúng quy trình, đảm bảo thời gian, cơ bản đã phản ánh trung thực nhận xét, đánh giá của người dân về kết quả XDNTM của địa phương. Từ đó, giúp cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng đối với kết quả XDNTM; thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia, giám sát của người dân trong XDNTM. MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện tốt vai trò phối hợp, phân công trách nhiệm, theo dõi và tổng hợp kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân; các ý kiến chưa hài lòng của Nhân dân về kết quả XDNTM được MTTQ Việt Nam các cấp tổng hợp và phản ánh kịp thời. Phát huy vai trò chủ thể của người dân, nhất là việc giám sát của người dân trong XDNTM; thông qua việc lấy ý kiến nhân dân được trao đổi, thảo luận, góp ý về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế đối với kết quả XDNTM của địa phương và đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể...


Hội nghị triển khai lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM tại Mặt trận tỉnh

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số hạn chế: Việc tuyên truyền, vận động XDNTM còn hạn chế; công tác tổ chức triển khai thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức XDNTM” gắn với Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” ở một số nơi còn lúng túng, hình thức, hiệu quả chưa cao; việc tham gia xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong XDNTM hiệu quả chưa cao; một số cơ chế, chính sách về nông dân, nông thôn trong XDNTM chưa được giải quyết kịp thời. Việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả XDNTM, nhiều nơi công tác tuyên truyền còn chưa sâu sát, hoạt động còn chưa thường xuyên; chưa phát huy được hiệu quả cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân; một số địa phương chưa đảm bảo tính độc lập, còn hình thức, một số nơi việc đánh giá còn phụ thuộc vào công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền nhất là ở cấp xã, vì vậy chưa thật sự đảm bảo tính khách quan trong tổ chức triển khai thực hiện. Kinh phí để triển khai thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân còn hạn chế, khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.
Qua 10 năm MTTQ Việt Nam tham gia XDNTM rút ra một số kinh nghiệm sau: (1) Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc XDNTM; (2) Trong triển khai thực hiện, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, người dân được bàn bạc, thống nhất trước khi triển khai đề án và các nội dung công việc cụ thể; phải thực sự phát huy vai trò làm chủ của người dân trong đầu tư cơ sở hạ tầng, từ việc lập kế hoạch xây dựng dự án, tổ chức thi công, giám sát, duy tu bảo dưỡng công trình; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đoàn thể phải sâu sát dân, tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân chọn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và hưởng lợi từ kết quả XDNTM; (3) Cần phải khai thác, động viên khơi dậy và huy động các nguồn lực trong nhân dân, làm cho dân hiểu mục đích XDNTM là vì lợi ích thiết thực của dân, dân là người làm chủ quá trình XDNTM, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; (4) Chú trọng việc xây dựng mô hình điểm để triển khai nhân rộng, tiến hành từ đơn giản đến phức tạp, làm từ ấp làm lên, chọn những công việc liên quan thiết thực đến từng hộ dân, từng cộng đồng dân cư làm trước, không nên triển khai đồng đều, dàn trải; (5) Gắn nhiệm vụ XDNTM với CVĐ “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, chú ý kết hợp hài hòa giữa việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế với xã hội, phát triển sản xuất với việc chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, thực hiện tốt các chính sách xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (6) Việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân nhằm khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong XDNTM; nâng cao trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc công nhận, công bố kết quả nhiệm vụ XDNTM.
Để phát huy hiệu quả trong tham gia XDNTM, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục tăng cường công tác triển khai sâu rộng Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam về CVĐ “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” nhằm quán triệt sâu sắc trong nội bộ và toàn xã hội về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo XDNTM, đô thị văn minh; về trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong lãnh, chỉ đạo và phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức thực hiện 05 nội dung của CVĐ, tạo sức lan toả rộng rãi và mang lại hiệu quả thiết thực ở từng địa phương.  
2. Tổ chức hiệp thương thống nhất với các tổ chức thành viên và các ngành có liên quan trong tổ chức thực hiện CVĐ. Nhất là nêu cao tính chủ động trong công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chương trình, dự án liên quan đến việc tổ chức, triển khai thực hiện XDNTM; đồng thời phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tăng cường nắm bắt tình hình thực tiễn trong quá trình XDNTM.  
3. Tổ chức việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả XDNTM tại các xã bảo đảm tính trung thực, phản ánh được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Cần nghiêm túc, khách quan trong công tác bình xét công nhận các địa phương đạt chuẩn NTM, đô thị văn minh, đề cao chất lượng tiêu chí đạt được, tránh chạy theo thành tích và chỉ tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, có giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn để khuyến khích các địa phương khác học tập kinh nghiệm và vận dụng thực hiện.
4. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác Mặt trận trong tham gia XDNTM. Mỗi cán bộ Mặt trận cần bám sát thực tiễn XDNTM ở cơ sở và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phường.   


Bài, ảnh: Thạch Heng
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 812
  • Trong tuần: 6 151
  • Tất cả: 587805