Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng Công an Nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, đoàn, hội kháng chiến, tham mưu với Đảng, Chính phủ chỉ đạo, tổ chức vận động Nhân dân thực hiện nhiều cuộc vận động như: Ở miền Bắc có khẩu hiệu “Ba không” (Không nghe, không biết, không thấy) hoặc (Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch); ở Nam Bộ phát động Nhân dân tham gia phong trào “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm. Các cuộc vận động trên đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho Nhân dân, bưng bích tai, mắt quân thù và nhanh chóng phát triển ra toàn quốc thành phong trào “Phòng gian bảo mật”.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Lực lượng Công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo, tổ chức vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ở miền Bắc, Trung ương phát động phong trào “Bảo vệ trị an” trong Nhân dân và mở cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” ở cả ba vùng chiến lược và thành lập “Hội đồng bảo vệ trị an xã, ấp”. Phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ, gắn kết với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam
Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), lực lượng Công an nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong toàn quốc thành phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ đảng, chính quyền tổ chức vận động mọi tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể. Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung và bảo vệ an ninh trật tự nói riêng: “Nhân dân là gốc; đoàn kết toàn dân là nền tảng sức mạnh, là động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/6/2005 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 521/QĐ-TTg về việc lấy ngày 19/8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
“Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là dịp để cán bộ và Nhân dân ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, ghi nhớ sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ; để ghi nhận những đóng góp to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự; đồng thời tiếp tục cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực, tự giác tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong giai đoạn mới; góp phần xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Quán triệt Quyết định 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm ANTT và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”; cơ chế phối hợp giữa lực lượng Công an với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đơn vị…
Trong 18 năm qua, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từng bước đi vào cuộc sống, các hoạt động tiến tới Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ được tổ chức thường xuyên, liên tục trên cả nước; việc tổ chức bảo đảm yêu cầu, thiết thực, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng; qua đó, đã nâng cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ đã góp phần quan trọng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời, việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ cũng nâng cao nhận thức và hành động của Nhân dân trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Từ đó, Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” và hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư; giữ gìn trật tự công cộng; an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; tham gia xây dựng ấp, khóm, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về ANTT; tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh.
Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, để phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói chung, Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ nói riêng thật sự lan tỏa sâu rộng, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; Đảng ủy – Ban Giám đốc Công an tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các cuộc vận động và phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước, của các ban, ngành, đoàn thể địa phương như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... Lực lượng Công an đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực như: các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, về nguồn, thăm tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… tạo nên khí thế vui tươi, thu hút được đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng và tham gia các hoạt động nhân "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng như: đưa tin, bài, phóng sự trên các báo, đài phát thanh – truyền hình của tỉnh; đài truyền thanh của huyện, thị xã, thành phố; tổ chức tọa đàm về "Đội nón bảo hiểm an toàn khi đi mô tô, xe máy", về "Văn hóa giao thông", về "Tác hại của ma túy" và "Hiểm họa rượu, bia khi lái xe" phát trên sóng Đài phát thanh - truyền hình Trà Vinh. Đồng thời, lực lượng Công an các cấp chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung tuyên truyền, phát động trong cán bộ, công nhân viên và nhân dân về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”, nhất là tuyên truyền giáo dục về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và các hoạt động tuyên truyền, kích động gây chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc của các phần tử phản động, cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lực lượng Công an cơ sở đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ngành, tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy; giáo dục, cảm hóa đối tượng tại gia đình và cộng đồng dân cư; quản lý, giúp đỡ đối tượng chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; xây dựng ấp, khóm, xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về ANTT; xây dựng nông thôn mới,... Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp hơn 62.000 tin có giá trị, giúp cho lực lượng Công an bắt giữ hơn 850 đối tượng phạm pháp quả tang; triệt xóa hơn 10.000 điểm cờ bạc, tệ nạn xã hội, giáo dục, xử lý hơn hơn 25.000 nghìn đối tượng; vận động hơn 2.000 đối tượng vi phạm pháp luật ra đầu thú; giáo dục, cảm hóa hơn 80.000 lượt đối tượng lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư; tiếp nhận, quản lý, giáo dục hơn 3.000 đối tượng chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; hòa giải thành hơn 14.500 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; thu hồi hàng nghìn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... góp phần chuyển hóa 100% xã, thị trấn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh được phát triển đa dạng, phong phú, có sự hướng dẫn của lực lượng Công an và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, từ đó đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phục vụ tốt cho công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT ở địa bàn cơ sở. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 18 loại mô hình với 1.612 câu lạc bộ. Trong đó có một số mô hình hoạt động hiệu quả cao như: mô hình "Tuyên truyền, giáo dục cảm hóa đối tượng trong cơ sở tôn giáo", mô hình “Phụ nữ quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và TNXH”, mô hình “Vận động gây quỹ tái hòa nhập cộng đồng”, mô hình “Ba tốt, ba giảm”, mô hình “Phòng, chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường”...
Kỷ niệm 18 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, cũng là dịp chúng ta trân trọng ghi nhận những đóp góp to lớn trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở của hơn 1.200 Công an xã bán chuyên trách, gần 700 thành viên Bảo vệ dân phố; hơn 1.500 bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, gần 9.000 Tổ trưởng Tổ tự quản và hàng chục nghìn thành viên ban chủ nhiệm các câu lạc bộ quần chúng tự quản về ANTT ở cơ sở.
Từ những kết quả thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và Ngày hội toàn dân bảo về ANTQ, trong 18 năm qua đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được các cấp biểu dương khen thưởng; qua đó đã kịp thời động viên, khích lệ và tạo khí thế thi đua sôi nổi trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Để tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” năm 2023 thật sự hiệu quả, thiết thực và hướng về cơ sở, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh đã ban hành Công văn số 26/BCĐ ngày 27/4/2023 chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 11/HD-BCĐ ngày 20/02/2023 của Ban Chỉ đạo tỉnh về tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh . Thời gian tổ chức các hoạt động kỷ niệm "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" năm 2023 được thực hiện từ nay đến ngày 19/8/2022, tập trung cao điểm từ ngày 01/7/2023 đến 19/8/2023. Ban Chỉ đạo cấp huyện chọn 01 địa bàn dân cư (xã, phường, thị trấn) và 01 đơn vị (cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục) thuộc thẩm quyền quản lý để tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” có hai phần (lễ và hội). Đồng thời, chọn địa bàn xã An Quảng Hữu làm điểm tổ chức của Ban Chỉ đạo tỉnh. Nội dung Ngày hội năm 2023 cần tập trung một số nội dung như sau:
- Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
- Đánh giá tình hình, kết quả phong trào và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong 8 tháng đầu năm; rút ra những bài học, kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tiếp theo.
- Biểu dương, khen thưởng, cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Theo Phòng XDPT BVANTQ CA tỉnh Trà Vinh
Nguồn: https://rd.zapps.vn/pc?type=article&pageId=3188593956558591807&id=4f37744cee0907575e18