KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM (8/1961): CHUYỆN THẬT NAY MỚI KỂ
Tôi vẫn còn nhớ lúc ấy mới lên 8 (đầu năm 1960), khi tan học về tôi bắt gặp mẹ tôi mang mắt kiếng, ngồi trên chiếc ghế con đang chăm chú khâu tay một chiếc khăn còn dang dở. Ở trong thúng đồ nghề của mẹ, tôi thấy 3 khúc vải có 3 màu khác nhau đó là: Màu xanh, màu đỏ và màu vàng. 

Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam

Tôi hỏi mẹ: “Mẹ may khăn gì vậy? Có 3 màu đẹp quá!”
Mẹ đáp: “Mẹ cũng không biết nữa! Do cậu của con cho may dùm!”
Một ngày khác cũng đi học chiều về, đi ngang qua chùa, bỗng thấy các anh, các chú cầm súng gỗ, đang tập trận giả ở ngoài sân: Một! Hai! Ba! Bốn! Cuốn hút tôi cùng bạn trang lứa ghé vào xem.
Vào một ngày khác cũng đi học chiều về, bỗng thấy trước sân nhà mình có nhiều anh chị lớn hơn mình đang tập dượt múa hát mà tôi vẫn còn thuộc mấy câu:
“Mừng mừng vui, mừng hòa bình chúng em cùng ca vang. Rồi từ đây, hòa bình về áo cơm no lòng người!”
Hoặc “Dù có gió mưa bão bùng! Dù trong đêm tối mịt mù... Dù còn sống, còn chê quân thù...” đọng lại trong tôi sự vui sướng và niềm tự hào biết bao!
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến sự ở Việt Nam được ký kết (ngày 20/07/1954), đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp ồ ạt nhảy vào chiến trường miền Nam; thế rồi, nước ta lại tiếp tục bị chiến tranh xâm lược. Dưới chế  độ Mỹ - Diêm, chúng thực hiện chính sách kỳ thị chủng tộc, đồng hóa dân tộc, đàn áp Phật giáo, nên các trường Pali - Khmer và các thiết chế văn hóa truyền thống dân tộc bị cấm hoạt động. 
        Ngày lại, tháng qua, phong trào Đồng Khởi ngày càng phát triển, lan rộng và ăn sâu vào lòng người đủ các thành phần dân tộc, tôn giáo. Chính quyền Ngô Đình Diệm áp dụng luật số 10/59 (ngày 6/5/1959), có máy chém kéo lê khắp chiến trường miền Nam để tiêu diệt Cộng Sản.
        Từ đầu những năm 1960, nhất là khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (2/12/1960), yêu cầu của cách mạng ngày càng đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển mạnh để phục vụ nhân dân, cổ vũ tinh thần chiến đấu của giải phóng quân đánh kẻ thù xâm lược và bọn tay sai bán nước.
        Chính vào một buổi chiều đẹp trời hôm ấy, ở trước sân chùa quê tôi - nơi tập trận giả ngày hôm nào, nay lại biến thành cuộc mít tinh trọng thể, có tổ chức chương trình thiếu nhi múa hát: “Mừng mừng vui, mừng hòa bình chúng em cùng ca vang. Rồi từ đây, hòa bình về áo cơm no lòng người!”. Và có cả hàng trăm người đến dự chào mừng ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Có giương cao ngọn cờ 3 màu xanh, đỏ và ngôi sao vàng ở giữa. Thật ra, khăn 3 màu mà mẹ tôi đã khâu tay do cậu tôi - Bí thư chi bộ xã nhờ khâu chính là: “Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam!”
        “Cốc! Cốc! Cốc! Cốc! Cốc!....”. Đó là những tiếng mõ dồn dập lúc ban đêm. 
        Kèm theo đó là tiếng loa: “Yêu cầu đồng bào đánh mõ lên! Yêu cầu đồng bào đánh mõ lên! Yêu cầu đồng bào đánh mõ lên!” cổ vũ cho phong trào cách mạng trong thập niên 1960.
         “Ầm! Ầm! Ầm!”. Đó là tiếng nổ của đạn mọc-dê (súng cối 60 ly) đã pháo từ trong dinh Quận Trưởng (ngụy) ra vùng có tiếng mõ vang động cổ vũ phong trào. Riêng ở nhà tôi đạn pháo rơi, nổ như tiếng sét đánh ngay giữa con mương cách tản-xê (hầm tránh đạn) khoảng 5m, đánh văng cả bùn sình, cá lên bờ và tạt vào tản-xê. Tản-xê nầy cha tôi làm hai lớp để nuôi chứa cho cậu tôi và cán bộ hoạt động cách mạng. Nhờ có tản-xê nầy mà đảm bảo được sự an toàn cho cả gia đình. Tiếng nổ của đạn pháo làm tắt đèn cả khu vực, nhưng không tắt được lòng yêu nước nồng nàn của cả đồng bào miền Nam.       
         Mẹ tôi là bà mụ, nên đã đỡ đẻ cho cả trăm bà sản phụ cả người Khmer - Kinh - Hoa ở trong sóc được an toàn. Từ đó, uy tín của bà cũng được khen ngợi. Cha tôi là một nông dân sản xuất giỏi, nên huy động lực lượng lao động được một cách dễ dàng. Do đó, gia đình tôi được cách mạng chọn làm Hợp tác xã sản xuất kiểu mẫu (làm ruộng vần công). Cha tôi có một chiếc ghe độc mộc với trọng tải 100 giạ lúa, cùng với em trai tôi chuyên chở lúa đảm phụ hàng trăm giạ đi bán và mua phân tro (vôi) về phân phối cho anh em trong Hợp tác xã. 
        Có lần đang chở lúa, cha tôi bị Đội Dương nghi ngờ bắt lên bờ, quở hết mấy báng súng, gãy mấy ba sườn, xong thả về; sau đó bị bệnh nặng thổ huyết...
        Ở đây là vùng tranh chấp, có lúc biến thành trận địa, nên cả sóc phải chạy lánh nạn, nhưng cha và chị tôi cố bám trụ sống chung, có hủ gạo nuôi quân giải phóng và cán bộ nằm vùng. Ông có nuôi một con chó đực, mực cổ trắng, chó nầy có dáng khỏe và rất tinh khôn, dường như nó làm Trưởng nhóm cả xóm, cho dù đó là chó phèn, cò, mực, xám chẳng dám qua mặt nó cả. Nó rất trung thành, quấn quích và không bao giờ sủa đối với quân giải phóng cũng như cán bộ địa phương. Hễ mỗi lần nó sủa chắc chắn là có lính biệt kích bò vào hoặc lực lượng bộ binh ngụy hành quân. Nhắc nhở đội du kích, quân giải phóng và cán bộ địa phương ta hãy đề cao, cảnh giác.
      Năm 1970, cậu tôi Sáu Thi - Bí thư Chi bộ xã Hòa Ân đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của biệt kích Mỹ, mợ tôi tìm cách liên lạc với mẹ tôi, mẹ tôi đến ôm xác người cậu đáng thương, thật đáng kính ấy. Vì chiến tranh máu lửa, không thể tổ chức được đám tang, nên mẹ tôi chỉ mời được bốn vị sư sãi làm lễ cầu siêu và đưa về chôn tại vườn cũ đất nhà. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (30/04/1975) mới làm lễ An táng và đưa hài cốt về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cầu Kè.
     Thời gian cứ trôi đi và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ngày càng giành chiến thắng trên khắp cả chiến trường Miền Nam. Đến chiều ngày 30/04/1975, đội quân giải phóng vác súng đạn về trụ tại trước sân nhà tôi, trong đó có súng Mọc-dê (súng cối 60 ly) và có nhiều người tham dự. Đồng chí đội trưởng thông báo với cha mẹ tôi và mọi người rằng: “Kính thưa cha mẹ cùng bà con thân mến! Chúng con đã từng đóng quân và được cha mẹ nuôi dưỡng tại đây! Nay quê ta được hoàn toàn giải phóng! Súng Mọc-dê nầy đã từng giết hại biết bao nhiêu dân lành, nay đã về tay nhân dân. Từ đây, Miền Nam ta được hoàn toàn giải phóng! Nhân dân ta được hưởng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc!”
     Tất cả mọi người vỗ tay:  “Hoan Hô! Hoan Hô! Hoan Hô!” 
        Riêng mợ tôi đã có chồng và hai người con trai đã anh dũng hy sinh, nên được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu: “BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG”.

NSƯT. SANG SẾT
      (Nguyên P.CT UBMTTQVN tỉnh Trà Vinh)

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 47
  • Trong tuần: 842
  • Tất cả: 594968