Cầu Ngang nỗ lực giúp hội viên Phụ nữ thoát nghèo
Trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cầu Ngang đã tích cực phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên các đoàn thể tích cực tham gia các phong trào thi đua sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Nổi bật trong đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các xã, thị trấn của huyện Cầu Ngang đã tích cực triển khai thực hiện nhiều cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế gia đình của các hội viên Phụ nữ ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng còn nhiều khó khăn sớm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.   

Cùng với lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội LHPN xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang đến thăm gia đình chị Thạch Thị Rươne và chị Thạch Thị Sa Phươne, ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang trong dịp lễ Sêne Đôlta của đồng bào dân tộc Khmer năm 2022. Chúng tôi cảm nhận được niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của 2 chị khi cuộc sống của gia đình mình đã vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất, vươn lên thoát nghèo bằng việc tham gia mô hình hỗ trợ sinh kế dự án chăn nuôi bò do Hội LHPN, xã Trường Thọ triển khai thực hiện.  
Trước đây gia đình chị Thạch Thị Rươne, hội viên Phụ nữ, ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang là một trong những hộ Khmer nghèo được Hội LHPN xã Trường Thọ vận động, tham gia mô hình hỗ trợ sinh kế cho chị em phụ nữ Khmer nghèo và được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò sinh sản từ Ngân hàng chính sách xã hội, đến nay gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi bò. Cách đây gần 5 năm, từ 02 con bò nái ban đầu được hỗ trợ từ dự án, vợ chồng chị Thạch Thị Rươne đã nỗ lực cố gắng, siêng năng cần cù, vượt qua khó khăn chăm sóc, đến nay đàn bò trong chuồng của gia đình chị đã phát triển được 06 con bò lớn và 01 con, không những thế, anh chị còn dành dụm tiết kiệm mua được thêm 02 công đất để trồng cỏ nuôi bò.

Chị Thạch Thị Rươne, hội viên phụ nữ ở ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang bên đàn bò của gia đình

Còn gia đình chị Thạch Thị Sa Phươne ở gần đó cũng đã sớm vượt qua khó khăn, thoát khỏi danh sách hộ nghèo cũng từ đồng vốn vay hỗ trợ từ mô hình hỗ trợ sinh kế cho chị em phụ nữ Khmer nghèo. Trước đây cuộc sống gia đình chị cũng gặp nhiều khó khăn, chồng thì đi làm thuê, còn chị thì ở nhà chăm sóc con cái và làm nông với diện tích khoảng 05 công nhưng cho năng suất bấp bênh. Được sự hỗ trợ con bò giống, cùng với tìm tòi học hỏi từ các chị em đi trước nên gia đình chị đã dần có thêm kinh nghiệm nuôi bò để đạt hiệu quả, đồng thời kết hợp với tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, trồng thêm cỏ làm thức ăn cho bò đã giúp cho gia đình chị tiết kiệm được khoản chi phí trong chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị đã phát triển đàn bò được 05 con có tổng trị giá gần 100 triệu đồng. 
Đây là tín hiệu khả quan bước đầu của mô hình hỗ trợ sinh kế cho chị em phụ nữ Khmer nghèo của Hội LHPN xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang triển khai thực hiện. Đó cũng là kết quả đáng phấn khởi và niềm vui mừng khôn xiết không chỉ cho gia đình chị 02 chị Thạch Thị Rươne và Thạch Thị Sa Phươne mà còn cho các hội viên phụ nữ Khmer nghèo khác ở địa phương có thể học tập, nhân rộng mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế. 
Theo chị Thạch Thị Lệ Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang cho biết: Trong thời gian qua, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và Hội LHPN xã Trường Thọ đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng và UBND xã đã tích cực tuyên truyền vận động, các chị em hội viên phụ nữ tham gia các cuộc vận động “ 05 không, 03 sạch”, phong trào xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt là tập trung vào việc tìm các giải pháp hỗ trợ sinh kế gắn với động viên, tuyên truyền cho chị em hội viên phụ nữ phát huy tính chủ động, dám nghĩ dám làm, không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn hỗ trợ những hội viên yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển. 

 Lãnh đạo Ủy Ban MTTQ Việt Nam và Hội LHPN xã Trường Thọ đến thăm mô hình nuôi heo của gia đình chị Thạch Thị Chà, ấp Căn Nom, xã Trường Thọ

Tính đến nay, thông qua các nguồn vốn ủy thác của các tổ chức tín dụng, Hội LHPN xã Trường Thọ đã thành lập được trên 50 tổ, nhóm tín dụng vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Qua đó hỗ trợ cho trên 800 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ nghèo vay vốn với số tiền trên 40 tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Trong thời gian tới, Hội LHPN xã Trường Thọ nói riêng, huyện Cầu Ngang nói chung tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để xây dựng thêm nhiều mô hình sinh kế giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đẩy mạnh tăng cường phối hợp với tổ chức tín dụng khảo sát, xem xét hỗ trợ các hộ có nhu cầu vay vốn, phối hợp chặt chẽ cùng với Uỷ Ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vận động, khuyến khích, hỗ trợ gia đình các hội viên phụ nữ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế gắn với các phong trào, hoạt động thực tiễn ở cơ sở theo hướng thoát nghèo bền vững. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động và phát huy được vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. 
Ông Sơn Sa Rên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang cho biết thêm: Trong thời gian qua, Uỷ Ban MTTQ Việt Nam xã cũng đã phối hợp cùng với các đoàn thể của xã trong tổ chức tuyên truyền vận động bà con nhân dân thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer cũng như góp phần hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.  
Nhằm triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, cùng với giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp, Hội LHPN và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp với chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép các chính sách tín dụng chính sách - xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả ở địa phương gắn với các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hội viên các đoàn thể, từ đó góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia, xoá đói giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Phương Thảo

Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 946
  • Trong tuần: 6 285
  • Tất cả: 587939