Đồng bào Công giáo Trà Vinh - Sống tốt đời đẹp đạo

Trong những năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Nổi bật trong đó là thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động với 10 nội dung của “7 tốt đời, 3 đẹp đạo”. Qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. 

Đồng chí Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ thăm chúc mừng lễ giáng sinh các vị linh mục, Ban quới chức họ đạo Mặc Bắc

Những ngày này, về với các họ đạo trên địa bàn tỉnh, đâu đâu cũng bắt gặp không khí vui tươi, hân hoan, háo hức chuẩn bị đón mừng Giáng sinh của bà con giáo dân. Khắp các tuyến đường, xóm đạo, nhà thờ đều được trang hoàng rực rỡ ánh đèn cùng với không khí se lạnh đã làm cho lòng người cũng trở nên ấm áp, hân hoan. Toàn tỉnh có 46 nhà thờ, nhà nguyện, 01 Dòng tu và 02 cơ sở Cộng đoàn Nữ tu với trên 75.000 giáo dân. Theo đó ngày lễ Giáng sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiêng liêng đối với đồng bào Công giáo. Mặc dù mọi việc cuối năm khá bận rộn, nhưng bà con giáo dân vẫn sắp xếp, tranh thủ thời gian cùng nhau dọn vệ sinh môi trường, trang trí khu dân cư, họ đạo để chào đón đêm Giáng sinh an lành, hạnh phúc.
Trong những năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với các nội dung sống tốt đời, đẹp đạo. Đặc biệt trong 5 năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh và đồng bào công giáo trong tỉnh đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp cùng chính quyền, MTTQ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống. Từ việc triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời - đẹp đạo” đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong các giáo xứ, họ đạo, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nổi bật trong đó với 10 nội dung của 7 tốt đời, 03 đẹp đạo gồm : phát triển kinh tế tốt, nếp sống tốt, trật tự xã hội tốt, giáo dục - y tế tốt, chương trình dân số tốt, bảo vệ môi trường tốt, nghĩa vụ công dân tốt và đẹp trong đạo đức lối sống, đẹp trong tinh thần bác ái yêu thương, đẹp trong nếp sống đạo.  
Hưởng ứng phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Các vị Linh mục, tu sĩ, Ban quới chức ở các giáo xứ, họ đạo trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ cùng cấp uỷ, Chính quyền, MTTQ các cấp đẩy mạnh vận động, tuyên truyền bà con giáo dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Linh mục  Trần Văn Kích, Chủ tịch Uỷ Ban đoàn kết công giáo tỉnh Trà Vinh, Chánh sở họ đạo Bãi Xan cho biết : “ Trong thời gian qua, đồng bào Công giáo Trà Vinh cùng với đồng bào Công giáo cả nước hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Để hưởng ứng cuộc vận động trên Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã triển khai, cụ thể hóa thành phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” đã làm cho người Công giáo Việt Nam nói chung cũng như người Công giáo Trà Vinh nói riêng thực hiện cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo” gắn liền với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước: vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với những thành tích mà đồng bào Công giáo Việt Nam đã đạt được, người Công giáo tỉnh Trà Vinh quyết tâm phát huy để đạt được nhiều thành quả mỹ mãn hơn nữa, góp phần vào sự phồn vinh của Đất nước và của tỉnh Trà Vinh thân yêu.”
Xã Đại Phước huyện Càng Long là địa phương có gần 30% dân số theo đạo Công giáo tập trung nhiều ở 3/8 ấp gồm ấp Hạ, ấp Trung và ấp Thượng. Trong những năm gần đây, đời sống, văn hoá, kinh tế, xã hội của nhân dân nói chung và cộng đồng giáo dân ở đây nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Đạt được những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các vị Linh mục, chánh Sở họ đạo, Ban quới chức và bà con giáo dân đã đồng hành cùng chính quyền và MTTQ trong công tác vận động, tuyên truyền bà con giáo dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó nhiều bà con giáo dân ở các giáo xứ, họ đạo vùng nông thôn đã chuyển đổi sản xuất kém hiệu quả sang trong các loại cây trồng - vật nuôi có hiệu quả kinh tế, phát huy được thế mạnh kinh tế ở từng vùng, từng địa phương. 
Anh Nguyễn Thanh Hải, ở Ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long, một trong giáo dân họ đạo Bãi Xan là điển hình trong thực hiện chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế gia đình thoát nghèo bền vững từ cây Lác. Cách nay 17 năm, sau khi lập gia đình với diện tích gần 02 công đất được cha mẹ cho, anh Hải đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây Lác. Tuy cây Lác tốn nhiều công chăm sóc nhưng so với trồng lúa thì mang lại lợi nhuận kinh tế cho người nông dân về cả năng suất, giá cả và thị trường tiêu thụ. Theo anh Hải nghề trồng Lác đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, tạo điều kiện cho gia đình anh vươn lên trong cuộc sống. Nhờ chịu khó siêng năng, ham học hỏi cùng những kinh nghiệm có được trong nghề trồng cây Lác, anh đã dần tích luỹ dành dụm mua được 05 công đất, đồng thời mạnh dạn thuê thêm 06 công nữa để mở rộng diện tích trồng Lác lên hơn 11 công đất. Không chỉ vậy, anh Hải còn tuyên truyền vận động được 31 hộ dân ở địa phương chuyển đổi trồng cây lác và tham gia vào Tổ kinh tế hợp tác ở địa phương. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tạo việc làm ổn định cho 5 đến 10 lao động với thu nhập bình quân từ 100 đến 150 ngàn đồng/người/ngày, góp phần cùng chính quyền địa phương tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho nông dân nhàn rỗi để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân gia đình và xã hội. Anh Nguyễn Thanh Hải ở ấp Thượng xã Đại Phước huyện Càng Long chia sẽ : “ Đất gia đình em hiện nay là 05 công, hiện giờ thuê thêm 06 nữa nâng diện tích trồng lát lên hơn 11 công, đồng thời thường xuyên thuê thêm 05 lao động để làm cho em trong đó có Nam có nữ. Trồng lác thì lợi nhuận theo thời điểm thuận mùa như hiện nay thì lời khoảng 50% so với nguồn vốn bỏ ra, so với trồng lúa thì lời hơn nhiều, vì một công với giá hiện thời thì lời 10 triệu đồng/ vụ/công. Cây Lác thì mình thu hoạch xong qua từng khâu thì mình xẻ phơi khô thương lái vô thu mua, ta bó cân tại ruộng luôn, còn em ruộng gần nhà nên em đem về nhà rồi thương lái tới nhà thu mua thuận lợi hơn.”
Anh Nguyễn Văn Trung, cán bộ chức văn hoá – xã hội xã Đại Phước  huyện Càng Long cho biết thêm : “ Sau khi mình tuyên truyền vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh gia đình văn hoá, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và nước thì đến nay thì tình hình nói chung kéo giãm, còn về kinh tế của 03 ấp này, đặc biệt là về cây lác thì giá thu mua năm nay có lúc lên 21.000đ/kg  cho nên thu nhập đầu người trong đồng bào giáo dân khoảng từ 60 – 65 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2022 cả 03 ấp Thượng, Hạ và ấp Trung được tái công nhận ấp văn hoá nông thôn mới, còn hộ gia đình thì đăng ký đạt 100%, thực hiện các tiêu chí đạt Nông thôn mới đều đãm bảo.” 
Trong mùa Giáng sinh năm nay và trước thềm năm mới 2023, xuân Quý Mão, bà con giáo dân của ở xã Đại Phước huyện Càng Long có thêm động lực và phấn khởi hơn khi bộ mặt đô thị ngày thêm xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt là đồng bào Công giáo trong tỉnh đã phát tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước để các giáo xứ, họ đạo ngày càng có nhiều những tấm gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh.

Sâm Báte

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 11,004
  • Tất cả: 436,827