Về ấp Bông Ven (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang), tôi được bà con Khmer ở đây kể cho nghe về ông Thạch Chánh với sự tự hào. Đối với người dân địa phương, ông vừa là người có uy tín trong Chi hội Cựu chiến binh, cũng là người có nhiều đóng góp trong công tác vươn lên thoát nghèo.
Theo chân Hội Cựu chiến binh xã, tôi tìm đến trang trại nuôi bò sinh sản của gia đình Ông Thạch Chánh - một trong những nông dân tiêu biểu được tuyên dương trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Mô hình trang trại “Nuôi bò sinh sản” của Thạch Chánh Chi hội trưởng Cựu Chiến binh
Được biết Nhị Trường vốn là xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ. Trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông độc canh cây lúa, trong khi điều kiện thổ nhưỡng không thuận tiện nên năng suất thấp. Sau khi xuất ngũ năm 1996, ông Thạch Chánh lập gia đình và sống cùng cha mẹ ở ấp Bông Ven. Năm 2007, ông xin gia nhập Hội Cựu chiến binh xã. Đến năm 2015 ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp Bông Ven. Bản thân là Chi hội trưởng nhưng gia đình là hộ nghèo, gặp nhiều khó khăn về kinh tế, khiến ông luôn suy nghĩ tìm cách tăng gia sản xuất vừa cải thiện đời sống gia đình, vừa nêu gương để anh em trong Chi hội cũng như bà con trong ấp noi theo, thoát khỏi đói nghèo.
“Nhiều đêm bản thân luôn trằn trọc suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo, chỉ có thoát nghèo thì mới mong giúp đỡ những người khác được. Có thành công thì mình mới vận động tuyên truyền cho hội viên trong ấp tin tưởng mà thực hiện các mô hình kinh tế để vươn lên không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo” – Bên tách trà bày sẵn ngay cạnh chuồng bò, ông Thạch Chánh tâm sự với tôi như vậy. “Là hội viên Cựu chiến binh, hàng năm được tham dự các hội nghị triển khai, quán triệt các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi nhận thức được việc học tập và làm theo Bác phải bằng những hành động cụ thể. Từ đó, tôi xác định phải quyết tâm tạo ra giá trị cao nhất trên mảnh đất sản xuất của gia đình bằng chính lao động sáng tạo của mình và gia đình mình!”.
Kể về buổi đầu lập nghiệp, ông Chánh cho biết: Gia đình tôi có 5, 6 miệng ăn mà có 03 công đất sản xuất kém hiệu quả, nên nghèo khó cứ mãi đeo mang. Từ đó bản thân tôi xác định chỉ có mô hình “Nuôi bò sinh sản” thì gia đình mới có khả năng thoát nghèo, vì con bò vốn rất thích hợp với đất giồng cát, đất ruộng thiếu nước tại Bông Ven. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của Hội Cựu chiến binh xã, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi gần toàn bộ đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để phục vụ chăn nuôi. Với số vốn ban đầu của gia đình cùng vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, người thân, bạn bè, tôi đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo kết hợp chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò!.
Những năm đầu do vốn ít, lại chưa có kinh nghiệm nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Vừa làm vừa tích lũy, ông Chánh học hỏi kinh nghiệm từ những gia đình làm ăn có hiệu quả trong xã và các xã lân cận, đồng thời nghiên cứu, tham khảo qua các tài liệu để áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt. Với sự cố gắng vượt bậc đó, chỉ trong vòng 5 năm, ông Chánh trở thành mô hình làm kinh tế gia đình hiệu quả từ đồng vốn vay ưu đãi ngân hàng của cả xã Nhị Trường. Ông Chánh kể tiếp:
Nhận được sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh xã, tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách được 30 triệu đồng, cộng với số vốn của gia đình dành dụm được 15 triệu đồng. Cầm trong tay số tiền khá lớn mà không phải người nông dân Khmer nào tại ấp Bông Ven này cũng có được, tôi bàn bạc kỹ lưỡng với vợ rồi dốc hết vốn mua được 3 con bò cái giống. Có bò rồi, cả gia đình tôi ngày đêm bỏ công sức ra làm chuồng trại và chuyển đổi một công đất trồng lúa kém hiệu quả, để trồng cỏ nuôi bò. Còn 2 công, tôi tiếp tục làm lúa để đảm bảo cái ăn hàng ngày và lấy rơm cho bò ăn dặm thêm khi thiếu cỏ. Đến tháng 12 năm 2016, 3 con bò cái đẻ được 3 con bê. Sau một năm rưỡi chăm sóc, những con bê đã trưởng thành, tôi để lại 2 con làm giống, còn một con chia lại cho bà con trong xóm được 20 triệu đồng. Cuối năm 2018 bò đẻ thêm được 3 con, tôi cũng để lại 2 con làm giống và bán 01 con với số tiền 23 triệu đồng.
Đến năm 2019, trang trại nhà ông Thạch Chánh có 05 bò cái sinh sản và cuối năm đó, ông có thêm đàn bê 5 con. Lúc này, từ mô hình trang trại chăn nuôi bò sinh sản của gia đình ông, nhiều hộ nông dân Khmer trong ấp, trong xã muốn học tập để làm theo, đều được ông hướng dẫn nhiệt thành. Trong đàn bê 5 con, ông chia lại cho bà con 4 con với giá cả phải chăng, với mong muốn phát triển mô hình kinh tế gia đình hiệu quả này, giúp bà con trong ấp, trong xã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Hiện nay, với mô hình nuôi bò sinh sản, gia đình ông đã có 11 con bò cái và 4 con bò bê, trị giá trên 300.000.000 đồng. Tổng thu nhập một năm sau khi trừ chi phí thực lãi hàng năm 75.000.000 đồng. Từ đó gia đình đã thoát nghèo, nhà cửa tương đối cơ bản và lo cho con học hành tử tế. Hai con ông, một đứa học Y khoa tại trường Đại học Cần Thơ, một đứa đang học lớp 12 trường Dân tộc nội trú tỉnh Trà Vinh.
Qua nghe những chia sẻ của ông Thạch Chánh, tôi càng trân quý tính chịu thương chịu khó, ý chí quyết tâm của ông hơn. Tài sản hiện nay mà gia đình ông có được, chính từ sự siêng năng, chăm chỉ, ham học hỏi, chi tiêu hợp lý trong sản xuất, đời sống. Và tất cả những đức tính đó, ông học được từ Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt, Bác Hồ dạy không được giấu dốt, và mỗi người phải xem việc học là suốt đời. Với một nông dân, việc học hỏi, cập nhật kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi là không có điểm cuối. Ngày nay, việc học tập thuận lợi hơn nhiều, bởi có thể học trực tiếp từ các lớp tập huấn, học gián tiếp từ sách báo, truyền hình, mạng xã hội.
Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương, ông Thạch Chánh còn tích cực vận động bà con trong ấp tham gia chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương xây dựng Ấp, Xã nông thôn mới... Trong Hội nghị tổng kết xóa đói giảm nghèo (2016-2020) do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức, Ông vinh dự được chọn báo cáo điển hình tại Hội nghị này, được Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Trà Vinh tặng Bằng khen.
Những việc làm hữu ích của người nông dân cựu chiến binh Thạch Chánh ngày càng lan tỏa sâu rộng, có sức mạnh hơn hẳn những lời vận động “suông”. Mỗi ngày, tại các xã nông thôn huyện Cầu Ngang lại xuất hiện nhiều tấm gương nông dân làm theo lời dạy của Bác, thi đua phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu, gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới; nuôi dạy con ngoan, học giỏi, thành đạt trong cuộc sống; cả phum sóc đều thoát nghèo, xóm làng yêu thương, đùm bọc nhau.
ANH THƯ