Kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị, Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tri số 36/TTr-MTTW-BTT, ngày 16/9/2009 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắc là CVĐ) đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của đông đảo người dân, tác động mạnh đến sức tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa. Hưởng ứng CVĐ này, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Ông Lê Văn Hẳn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy-Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho tập thể và cá nhân

Công tác tuyên truyền CVĐ được chú trọng, trong 10 năm đã phối hợp tuyên truyền được 19.754 cuộc, với 987.700 lượt người tham dự; biên soạn và in ấn 1.500 cuốn tài liệu; xây dựng 86 chuyên mục, 2.920 tác phẩm (1.200 tin, 480 bài, 1.200 ảnh, 40 phóng sự ảnh); tổ chức 450 buổi tuyên truyền bằng xe lưu động tại các trục đường chính trên địa bàn huyện, thành phố; trang trí 15.000 lá phướn, áp phích và 560 băng rôn; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa nội dung của CVĐ vào các phong trào, CVĐ của ngành mình và tuyên truyền vận động đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; lồng ghép nội dung CVĐ vào CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,... Thông qua công tác tuyên truyền, từng bước làm chuyển biến nhận thức và tính tự giác của các cấp, các ngành; trong các năm 2010 - 2019, các cơ quan, đơn vị khi trang bị, mua sắm tài sản công ưu tiên lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ là hàng sản xuất tại Việt Nam; người tiêu dùng có sự so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt Nam so với hàng ngoại nhập để mua sắm phù hợp với túi tiền; tâm lý “sính” hàng ngoại không còn là mốt mua sắm của nhiều người tiêu dùng như trước đây.

Cơ chế, chính sách từng bước được bổ sung, ban hành các văn bản về cơ chế chính sách liên quan để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, tạo môi trường lành mạnh của thị trường nội địa để tăng sức mua sắm của người tiêu dùng; UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; thực hiện 02 Đề án“Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như tiếp cận thị trường và đối tác thương mại trong và ngoài nước; tạo sự gắn kết giữa người nông dân với các đơn vị thu mua, tiêu thụ sản phẩm; sự liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản được hình thành; giá trị hàng hóa được nâng cao, bảo đảm lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cách hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa của địa phương được quan tâm, qua 10 năm tổ chức 10 đợt hội chợ thương mại, triển lãm gắn với các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm, du lịch nhân các dịp lễ, hội của tỉnh có 100 - 150 doanh nghiệp tham gia, thu hút 7.000 - 8.000 lượt khách tham quan, mua sắm; 41 phiên chợ đưa hàng việt về nông thôn có 50 - 60 doanh nghiệp tham gia/phiên chợ, thu hút 4.000 - 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu đạt hơn 34,18 tỷ đồng; tổ chức 10 cuộc kết nối cung cầu, có 29 hợp đồng và 86 biên bản ghi nhớ được ký kết. Vận động hỗ trợ cho trên 265 cơ sở/doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia 29 đợt hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành bạn với 40 mẫu sản phẩm của tỉnh, thuộc hai nhóm mặt hàng thủ công mỹ nghệ và thực phẩm.  

Công tác bình ổn thị trường (giai đoạn 2013 - 2018), hàng năm có từ 05-07 doanh nghiệp đăng ký tham gia, với số vốn vay là 233,15 tỷ đồng, nhằm dự trữ nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ bình ổn giá gồm: Lương thực, thực phẩm, khí dầu mỏ hóa lỏng, mặt hàng sữa và mặt hàng phục vụ mùa khai giảng. Xác định cho 26 doanh nghiệp đăng ký tổ chức 65 đợt hội chợ, triển lãm tại các huyện, thị xã và 15 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn thu hút 50 - 60 doanh nghiệp tham gia, với 80 - 100 gian hàng/hội chợ, lượng khách tham quan, mua sắm trung bình 6.000 đến 7.000 lượt/hội chợ, nhằm giúp cho người tiêu dùng có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, phù hợp với sức mua, thu nhập của người tiêu dùng.

Công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hàng năm tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, duy trì các tổ, đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra nắm tình hình, thu thập và xử lý thông tin về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Kết quả, tổ chức kiểm tra, giám sát 12.159 cuộc; qua đó, phát hiện, xử lý vi phạm 4.069 cơ sở, với số tiền phạt hơn 12 tỷ đồng.

Đạt được những kết quả trên nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế: CVĐ chưa được triển khai sâu rộng và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở; công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên; sự phối hợp, gắn kết giữa các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương với các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế chưa nhiều; việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng vẫn diễn ra, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; hoạt động bình ổn giá cả thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn mới chỉ thực hiện ở một số thời điểm và ở địa bàn thuận lợi; cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối và bảo vệ người tiêu dùng chưa hoàn thiện,...

Để tiếp tục đẩy mạnh CVĐ một cách sâu rộng và đạt hiệu quả trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
1. Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với thực hiện CVĐ; nâng cao chất lượng quản lý điều hành của chính quyền; phát huy vai trò tham mưu, đề xuất của Ban Chỉ đạo CVĐ các cấp. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện CVĐ.

2. Đẩy mạnh công tác quán triệt, thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 107-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện CVĐ trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng CVĐ.
3. Triển khai thực hiện tốt Đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ; hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng phạm vi, mạng lưới cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là chú trọng đến các vùng nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

4. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc điều tra, khảo sát thị trường; tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ sản phẩm hàng hóa của địa phương; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở khu vực nông thôn; khuyến khích đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ…

5. Tăng cường và đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, thu, nộp thuế; công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, của tỉnh sản xuất và hàng ngoại nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các loại sản phẩm, hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, như lương thực, thực phẩm; kiên quyết xử lý tình trạng kinh doanh, sản xuất hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Bài, ảnh: Thạch Heng
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 80
  • Trong tuần: 698
  • Tất cả: 595442