Bác Hồ và những mùa xuân kỷ niệm
(Xuân Nhâm Dần 2022) Mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc, bên cạnh cây nêu, cành hoa đào, mâm ngũ quả, nóc nhà mỗi gia đình Việt Nam có thêm lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới tượng trưng cho ánh sáng của nền độc lập. Cả cuộc đời mình, Bác Hồ hy sinh lặn lội đi khắp chân trời góc bể cũng chỉ vì mong cho cả dân tộc đón xuân trong độc lập, ấm no, hạnh phúc. 

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Hà Bắc khi Người về thăm và chúc Tết đồng bào và bộ đội, Tết Đinh Mùi (2.1967)

Nhớ mùa xuân của 82 năm về trước, xuân Canh Ngọ năm 1930, Bác Hồ khai xuân chính là khai hội thành lập Đảng. Xuân Canh Ngọ năm đó đối với Bác Hồ thật đặc biệt. Sau bao nhiêu năm cách mạng Việt Nam chìm trong bóng đêm nô lệ, các phong trào yêu nước lần lượt thất bại, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở học thuyết khoa học cách mạng này con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 3.2.1930, Người đã triệu tập Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiệm vụ cách mạng được Người cụ thể hóa trong Chánh cương vắn tắt nhấn mạnh tới chủ trương chiến lược: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản... Làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do...” Mùa xuân năm đó đi vào lịch sử của dân tộc.
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng tìm con đường cứu nước cứu dân cho dân tộc Việt Nam, Người trở về Tổ quốc. Trở về đến cột mốc 108, Người không khỏi xúc động bồi hồi. Sau mấy chục năm xa Tổ quốc Bác lại được trở về lãnh đạo con thuyền cách mạng dân tộc vượt qua những cơn sóng gió đi đến những bến bờ hạnh phúc. Đặc biệt, tháng 5.1941, Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám của Đảng, phát triển hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Mùa xuân sau, Cách mạng tháng Tám thành công, sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Ước mơ độc lập, tự do cũng trở thành hiện thực, nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do và lịch sử vẫn nhắc đến mùa xuân đó là “Tết độc lập”. Tối 30 Tết năm đó, Bác Hồ bí mật đi thăm mấy gia đình ở phố Sinh Từ, Hà Nội. Bác đi không báo trước. Người muốn trực tiếp thấy đồng bào đón Tết. Bác đến một gia đình nghèo, khi mà không khí Tết đã rộn ràng khắp nơi thì gia đình đó chưa có Tết. Người suy nghĩ nhiều, nước nhà độc lập, dân còn nghèo thì độc lập đó dân chưa được hưởng trọn vẹn. Sáng hôm sau, mồng 1 Tết, Bác cho gọi Chủ tịch Ủy ban Hà Nội, đề nghị ủy ban cùng các đoàn thể vận động bà con san sẻ của ít lòng nhiều giúp đỡ những gia đình nghèo để mọi người ai ai cũng được hưởng Tết độc lập.
Đầu xuân Tết năm đó, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài, Bác nói nguyện vọng thiết tha là mong sao “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Mong muốn đầu xuân của Bác cũng là lời chúc năm mới của những người dân khi gặp nhau, cầu mong cho năm mới ấm no hạnh phúc, bởi vì cũng năm trước đó nạn đói đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người.
Xuân Tân Mão năm 1951 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã bầu Bác làm Chủ tịch Đảng. Sau 6 năm Đảng tuyên bố tự giải tán (11.11.1945), Đảng quyết định ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Với Chính cương của Đảng Lao Động Việt Nam, lần đầu tiên, Đảng đã phát triển hoàn chỉnh lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phấn đấu đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, nhưng người nông dân vẫn nghèo khi họ chưa làm chủ ruộng đất. Trong thư chúc Tết đầu năm 1954. Bác mong sao cho “người cày có ruộng, khỏi lo nghèo nàn”. Đầu xuân năm 1958, khi tình hình xây dựng đất nước đang trên đà phát triển mạnh Bác căn dặn phải chú trọng “phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống của người dân, trước hết là của nhân dân lao động”.
Mùa xuân năm 1960 nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ kêu gọi “Tết trồng cây” cũng vì một mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh. Tết trồng cây do Bác phát động cho đến hôm nay trở thành một truyền thống đẹp trong nhân dân những ngày đầu xuân. Nhớ kỷ niệm ngày đầu xuân, khi về Chu Mật - Sơn Tây, đứng trên đồi trọc, Bác nhắc nhở đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đại ý Bác đã 3 lần đến đây, lần đầu cây còn tốt xum xuê, lần thứ 2 cây còn lưa thưa, lần này chỉ còn là đồi trọc. Vì vậy, Bác đề nghị tỉnh nhà phải phát động toàn dân trồng cây phủ xanh đồi trọc. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hứa với Bác sẽ quyết tâm trồng cây để phủ xanh đất trống đồi trọc để lần sau được đón Bác tới thăm. Bác cười hiền từ và nói:
“Quyết tâm trồng cây tốt, phủ xanh đồi là ích nước lợi dân, chứ đâu phải thành tích để Bác khen, Bác về thăm mới quyết tâm trồng cây”.
Trọn cuộc đời 79 mùa xuân, Bác lo cho dân, cho nước.

HOA ĐÌNH NGHĨA

 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 93
  • Trong tuần: 716
  • Tất cả: 595237