MỘT SỐ THÀNH TỰU VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI QUA 29 NĂM TÁI LẬP TỈNH TRÀ VINH
Khi mới tái lập năm 1992, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, như: địa kinh tế không thuận lợi so với các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long; địa chính trị phức tạp, thay vì tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng tỉnh phải dành nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng, an ninh; hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội yếu kém, bất cập, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà không cao...Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự đoàn kết và quyết tâm vượt qua các khó khăn, thách thức của hơn 1 triệu đồng bào trong tỉnh, đã từng bước đưa Trà Vinh phát triển ngang bằng với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Sau 29 năm tái lập, Trà Vinh đạt được một số thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội như:  

Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng bình quân hàng năm trên 11%. Giai đoạn 1996-2000 tăng 8,87%; giai đoạn 2000-2010 tăng 11,64%; giai đoạn 2010-2015 tăng 11,53%; giai đoạn 2015-2020 là 11,95%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 5,32%, trong đó khu vực I tăng 12,64%; khu vực II giảm 0,35%; khu vực III tăng 6,84%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1992 khoảng 730 ngàn đồng/người/năm, đến năm 2020 là 63,14 triệu đồng/người/năm.   
Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông - thủy sản ngày càng được nâng cao; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung theo quy hoạch; xây dựng được các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường; khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong sản xuất; cơ giới hóa, tự động hóa được đưa nhanh vào các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến. Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 27.528 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 11.829 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới, tập trung huy động các nguồn lực xã hội và vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn trong kế hoạch. Đến nay, tỉnh có có 91,7% hộ, 92,9% ấp, 69 xã và 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Các sản phẩm nông nghiệp được chú trọng hơn về chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu. Hiện nay toàn tỉnh có 56 sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm), trong đó, đang hỗ trợ xây dựng sản phẩm Mật hoa dừa có tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương công nhận.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (ảnh Bá Thi)

 Sản xuất công nghiệp của tỉnh Trà Vinh phát triển vượt bậc trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của tỉnh. Giá trị sản xuất năm 1992 chỉ đạt 270 tỷ đồng, đến 6 tháng đầu năm 2021 ước 18.938 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 01 khu kinh tế; 03 khu công nghiệp, 04 cụm công nghiệp. Nhiều dự án năng lượng tái tạo tiếp tục được đầu tư xây dựng. Có 382 dự án đang đầu tư, kinh doanh, trong đó có 41 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD và 341 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 121.855  tỷ đồng. Có 3.201 doanh nghiệp, 01 Liên hiệp Hợp tác xã và 169 Hợp tác xã.
Chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh) năm 2020, tỉnh xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng vị trí thứ 10/13 tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số Par-Index (cải cách hành chính) năm 2020, tỉnh xếp hạng 52/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng vị trí thứ 10/13 tỉnh, thành trong khu vực. Chỉ số SIPAS (hài lòng về sự phục vụ hành chính) tỉnh đứng hạng 8/63 tỉnh, thành phố và đứng đầu các tỉnh, thành trong khu vực.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 1992 đạt 702 tỷ đồng, đến 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 20.807 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 116 chợ, ngoài ra trên địa bàn tỉnh các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống siêu thị như: Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh, Siêu thị Coopmart; siêu thị điện máy Chợ Lớn; Trung tâm Thương mại Vincom Trà Vinh...Hàng hóa cung ứng trên thị trường đa dạng và phong phú, mạng lưới phân phối, kinh doanh được mở rộng và phủ khắp đến các vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. 
Các dịch vụ giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...có bước phát triển theo hướng hiện đại. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ các cơ sở lưu trú, hình thành và phát triển các điểm du lịch: Khu du lịch cộng đồng Cồn Chim; khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn; khu du lịch - văn hóa Ao Bà Om; Khu di tích Đền thờ Bác Hồ; Nhà tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Út…thu hút ngày càng nhiều lượt khách đến tham quan, du lịch.
Hàng năm, thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm 1992 thu đạt 32,4 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2021 ước 9.207 tỷ đồng. Các khoản chi được kiểm soát chặt chẽ và mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các tổ chức tín dụng phát triển mạnh, hầu hết các ngân hàng thương mại lớn đều đặt trụ sở tại tỉnh Trà Vinh. Phục vụ và đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế và người dân để đầu tư sản xuất kinh doanh và phục vụ cuộc sống và thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm đều tăng, 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 11.432 tỷ đồng. Các công trình đã đầu tư phát huy tác dụng tốt, tạo thêm năng lực sản xuất mới và tăng đáng kể kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống giao thông đường bộ phát triển nhanh, từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 02 tuyến Quốc lộ 53 và 60 với chiều dài 37 km; có 04 tỉnh lộ với tổng chiều dài 126 km, trong đó chỉ có 21 km đường nhựa. Đến nay, hệ thống mạng lưới giao thông ngày càng được hoàn thiện, tổng chiều dài các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện 991,37km, trong đó có 865,87m bê tông nhựa, láng nhựa, 5.500km đường giao thông nông thôn. Đầu tư nhiều công trình kết nối hệ thống giao thông thuận tiện với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1992, tỷ lệ hộ sử dụng điện chỉ chiếm khoảng 8% dân số, chủ yếu ở thị xã Trà Vinh và các thị trấn huyện lỵ. Đến nay, hộ sử dụng điện đạt tỷ lệ 99,18%. Đầu tư xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải với tổng công suất 4.372,5 KVA, Dự án điện gió với quy mô công suất 48MW và Dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 165MW. Năm 1992, người dân chủ yếu sử dụng nước sông, nước kênh rạch, nước giếng, đến nay tỷ lệ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%.  
Tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Huy động được nhiều dự án đầu tư ODA, FDI...từ các nước như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc..., các tổ chức IMF, các NGO và các nhà đầu tư từ các tỉnh, thành đến đăng ký kinh doanh và đầu tư trên địa bàn. 
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương quán triệt, tuyên truyền, thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thành lập 5.385 Tổ Covid cộng đồng, với 13.974 thành viên (đảng viên phụ trách, hộ gia đình làm nòng cốt); triển khai kiểm tra y tế tại 04 chốt trên địa bàn tỉnh; tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế…Mạng lưới khám, chữa bệnh, trang thiết bị y tế tiếp tục được đầu tư mua sắm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển. Năm 1992 có trên 40% số phòng học trong tỉnh còn tạm bợ, điều kiện dạy và học còn thiếu thốn, có 207 lớp phải học 03 ca, thiếu 400 giáo viên. Đến nay, tỷ lệ kiên cố chiếm 88%, bán kiên cố chiếm 12%. Toàn tỉnh hiện có 137/406 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi đạt và vượt kế hoạch. Xã hội hóa giáo dục phát triển, toàn tỉnh hiện có 12 trường giáo dục ngoài công lập (có 02 trường quốc tế là Ischool và Việt - Anh); công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình học tập được thực hiện tích cực. Với nỗ lực quyết tâm cao của tỉnh và sự hỗ trợ của Trung ương, đã xây dựng Trường Đại học Trà Vinh năm 2006. Sau 15 năm hình thành và phát triển, hoạt động theo mô hình đa cấp, đa ngành, đa phương thức đào tạo, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, nghiên cứu khoa học và ứng dụng, cung cấp các dịch vụ, góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Trà Vinh và các tỉnh trong khu vực.
Khoa học công nghệ được chú trọng đầu tư. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ. Cơ cấu ngành nghề đào tạo theo hướng ngày càng đồng bộ và cơ bản phù hợp với quy hoạch cán bộ; số lượng trí thức có trình độ sau đại học là nữ, trẻ, là người dân tộc ngày càng tăng.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, báo chí, phát thanh - truyền hình, thể dục, thể thao phát triển. Hiện toàn tỉnh có 71 xã văn hóa nông thôn mới; 15 phường, thị trấn văn minh đô thị; 711/756 ấp, khóm văn hóa; 963/1.036 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; 256.114/277.260 hộ gia đình văn hóa. Bảo tồn, duy tu, tôn tạo và phát huy tốt các di tích văn hóa. Năm 1992 cả tỉnh chỉ có 02 di tích được xếp hạng, đến nay có 47 di tích được xếp hạng, có 01 bảo vật quốc gia, 05 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 
Năm 1992, cơ sở vật chất của ngành văn hóa thông tin ở huyện, xã rất hạn chế; mạng lưới phát thanh, báo chí ở các xã vùng sâu chưa được tổ chức tốt. Đến nay, hoạt động thông tin, truyền thông phát triển, Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang tin điện tử của các ngành, địa phương, các đàitruyền thanh cấp huyện, trạm truyền thanh cấp xã nâng cao chất lượng nội dung, thông tin tuyên truyền kịp thời. 
Các cơ quan hành chính nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; 100% cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử công vụ; 100% cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm văn phòng điện tử và được triển khai chứng thư số. Các cơ quan, ban ngành chú trọng hơn đến việc ứng dụng các tiện ích của mạng xã hội để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền cho các tầng lớp Nhân dân; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời danh mục thủ tục hành chính tại nơi giải quyết và phổ biến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so quy định. Đến nay, có 16 sở, ban, ngành tỉnh, 09 huyện, thành phố, thị xã và 106 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”; 07 đơn vị thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”; 169 cơ quan, đơn vị áp dụng quy trình xử lý công việc theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, bảo đảm quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đúng thời hạn quy định. 
Thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách đối với người có công và bảo trợ xã hội. Khi tái lập tỉnh, Trà Vinh có gần 20% hộ đói, 40% hộ nghèo. Đến cuối năm 2020, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96%.

Ông Lê Văn Hẳn Chủ tịch UBND tỉnh trao tiền hỗ trợ nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải (ảnh Phương Minh)

Năm 1992, phần lớn các đối tượng chính sách xã hội còn nhiều khó khăn. Đến nay, đã quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổ chức phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện toàn tỉnh đã có 3.346 Mẹ được phong tặng, truy tặng. 
Những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội qua 29 năm tái lập tỉnh Trà Vinh là tiền đề quan trọng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết năm 2021 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, phấn đấu để Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.

                                 DƯƠNG MỸ PHA 
                                                Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh

Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 553
  • Trong tuần: 6 336
  • Tất cả: 588542