TRÀ VINH - ĐIỂM ĐẾN LÝ TƯỞNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Trà Vinh là một tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Trà Vinh là xứ sở của những ngôi chùa Khmer cổ kính, những cung đường rợp bóng cây xanh, những danh lam thắng cảnh làm nao lòng du khách, những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer… Sự hào sảng, nghĩa tình, hiếu khách của người Trà Vinh là món quà ấm áp chân tình dành cho du khách, để Trà Vinh là một nơi đáng đến của vùng đất chín rồng. 

Con đường với những cây xanh cổ thụ trong nội ô Thành phố Trà Vinh

Trà Vinh có những con đường rợp bóng cây xanh, với những hàng dầu, hàng sao, hàng me có tuổi đời hàng trăm năm. Thành phố Trà Vinh, một thành phố cây xanh tạo nên bầu không khí trong lành, tươi mát giữa lòng đô thị, là nơi duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những con đường nội ô rợp bóng cổ thụ, được mệnh danh là thành phố xanh, là “lá phổi xanh” của vùng ĐBSCL. 
Ao Bà Om (Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia) là một danh lam thắng cảnh của Trà Vinh lừng danh khắp chốn được bao quanh bởi những gốc cây hàng trăm năm tuổi. Toàn bộ diện tích Ao Bà Om rộng hơn 300 ha, bao gồm ba phần chính là ao, bờ ao và rừng cây cổ thụ bao quanh ao. Ao Bà Om đẹp hoang sơ, dịu dàng, không gian tĩnh lặng, sự mát mẻ của trời xanh nước biếc, không khí trong lành thoáng mát, “Truyền thuyết Ao Bà Om” hấp dẫn, ly kỳ. Đặc biệt vào mùa Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer, về đêm Ao Bà Om đẹp lung linh, huyền ảo. Vào ngày rằm tháng mười, tại đây náo nhiệt, đông đúc người tham quan thưởng thức hoạt động thả những đèn hoa đăng đầy màu sắc xuống ao với ước mong đất trời giao hòa, mùa màng tươi tốt, con người bình yên mạnh khỏe.

Thả đèn hoa đăng trong mùa Lễ hội Ok Om Bok (Ảnh: Dương Văn Hưởng)

Trà Vinh còn là quê hương của “Công trình trái tim” Khu Di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ (Xã Long Đức, Thành phố Trà Vinh, Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia). Trong khuôn viên ngôi Đền thờ có Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so với nguyên bản được dựng lên là điểm nhấn đặc biệt để du khách tham quan. Đến Khu Di tích, sẽ được tham quan Nhà trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng Nhân dân Trà Vinh”: Gian trung tâm là tượng bác Hồ ngồi đọc báo Nhân dân, trưng bày giới thiệu khái quát về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các giai đoạn, trưng bày giới thiệu về quá trình xây dựng và đấu tranh anh dũng bảo vệ Đền thờ của Đảng bộ, quân dân xã Long Đức… Khu di tích lịch sử Đền thờ bác Hồ hiện nay đã có diện mạo mới với không gian thoáng đẹp thu hút du khách gần xa.
Cồn Chim là một ấp cù lao thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, có diện tích tự nhiên 60ha nằm giữa sông Cổ Chiên. Người và đất Cồn Chim đủ ấm nồng giữ khách.“Về Cồn Chim, người dân chỉ có tấm lòng” đó là lòng mến khách, sự thân thiện, chất phác và mộc mạc. Đến với điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim để được khám phá vẻ đẹp hoang sơ của một ốc đảo xanh, nhìn ngắm phong cảnh sông nước miền quê hữu tình với những rừng bần xanh ngát, được tham quan: bếp xưa Nam Bộ, tham gia trò chơi dân gian, trải nghiệm con đường dừa, câu cua và thưởng thức món ăn dân dã thơm ngon: canh chua bần cá bông lau, bánh xèo, bánh lá cô Ba Sữa… trên vùng đất cù lao nồng ấm nghĩa tình.

Một góc Cồn Chim

Cồn Hô là điểm đến hấp dẫn trên dòng Cổ Chiên thuộc xã Đức Mỹ, huyện Càng Long được ví như “viên ngọc thô”, có diện tích khoảng 25 ha đất vườn với các loại cây ăn trái: bưởi, vú sữa, mít, dừa… với khoảng 20 hộ dân sinh sống, người dân nơi đây thật thà, mến khách vẫn giữ chất hồn quê Nam Bộ trong tính cách và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Cồn Hô được xây dựng theo quy luật thuận thiên, là điểm du lịch tự thân dựa vào cộng đồng. Đến với Cồn Hô, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống về đêm bên ánh đèn dầu, dễ dàng bắt gặp hình ảnh bếp củi, con đò, bến nước, chân trần lội sình, trải nghiệm ngâm chân thảo dược, thưởng thức các món ăn thơm ngon: cá lóc nướng trui với hương vị độc đáo và cách chế biến đơn giản, món chè bưởi ngọt thơm hay món chuối chiên, trà hoa đậu biếc, mứt dừa được trang trí thành những bông hoa hết sức đẹp mắt… 
Biển Ba Động một danh thắng du lịch thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải. Ba Động đẹp nên thơ bởi những hàng phi lao vi vút, ở đây sóng yên biển lặng thích hợp cho du khách hít thở không khí trong lành của xứ biển chan hòa, được hòa mình trong làn nước biển mát lạnh cho tâm hồn thư thả… Biển Ba Động là khu vực hiếm hoi ở miền Tây Nam Bộ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một bãi cát dài hơn 10km từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng. Hiện nay, khu du lịch biển Ba Động đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch: nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bờ kè chống sạt lở, quầy vật phẩm lưu niệm... Ba Động ngày thêm khởi sắc, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan du lịch của du khách xa gần. Từ đây, du khách có thể đến tham quan tìm hiểu, thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời: Làng Đáy biển Động cao, Làng muối Cồn Cù, Làng dưa hấu Ba Động…
Thiền viện Trúc Lâm ở Trà Vinh được xây dựng trên khuôn viên rộng 7ha, trong khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển, mặt tiền nhìn ra biển Đông bao la, với tổng kinh phí xây dựng trên 120 tỷ đồng. Thiền viện Trúc Lâm đang giữ nhiều kỷ lục trong số các tự viện Phật giáo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như ngôi chùa gần biển Đông nhất, toàn bộ các kiến trúc gần với kiến trúc truyền thống dân tộc nhất, ngôi Chánh điện to nhất, tượng Phật tổ to nhất, tượng Quan Thế âm to nhất, đại hồng chung lớn nhất, giảng đường có sức chứa lớn nhất, khoảng sân phía trước Chánh điện rộng lớn nhất…Có thể nói quê hương Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh là nơi có nhiều điểm du lịch để mọi người thuận tiện kết nối tham quan tiếp theo: Khu Di tích Bến Tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Đình miếu Cồn Trứng, Hải đăng Vàm Láng Nước, lầu Bà Cố hỷ, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải…

Thiền viện Trúc Lâm (Ảnh: Dương Văn Hưởng)

Trà Vinh có những ngôi chùa Khmer kiến trúc độc đáo, hoa văn sắc nét như Chùa Vàm Rây (huyện Trà Cú). Đây là ngôi chùa được xem là một trong những ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất trong các ngôi chùa Khmer, không chỉ nổi bật bởi kiến trúc độc đáo mà còn nổi bật bởi tượng đức Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 54m, cao 20m, ngang 16m được phủ sơn son thiếp vàng, xung quanh chùa được bao bọc bởi những hàng cây xanh rợp che bóng mát.
Chùa Hang (thuộc huyện Châu Thành) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Chùa Hang tiếng Khmer gọi là Wat Kompong Ch’rây, cổng chùa dạng hang vòm không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật tạo sự khác biệt giữa chùa Hang với các chùa Khmer còn lại trong tỉnh mà còn ẩn chứa giá trị lịch sử tôn giáo sâu sắc. Đến thăm chùa Hang, du khách được trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân và công nhân điêu khắc gỗ, chế tác thủ công tạo hình các tác phẩm đặc sắc từ những gốc cây đủ loại, đủ kích cỡ và hình thù. Những gốc cây tưởng chỉ bỏ đi khắp các phum sóc giờ được các nghệ nhân chấp cánh thành những tác phẩm nghệ thuật tinh tế lay động lòng người.
Chùa Âng là (Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật). Chùa Âng gọi theo ngôn ngữ Paly là Wat Angkor Borei (thuộc Thành phố Trà Vinh). Trải qua gần hai thế kỷ vững vàng, uy nghi tồn tại trước tác động của thời tiết, ngôi chánh điện chùa Âng là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh nói chung bởi các giá trị độc đáo mang tính đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc đậm đà bản sắc văn hóa Khmer, có sự giao lưu nhất định với văn hóa Việt, Hoa, Ấn Độ, Thái Lan…Đến Trà Vinh thăm chùa Âng để được thưởng thức nét đẹp bình yên của một ngôi chùa được bao bọc bởi cây xanh, trong đó có hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ quanh năm che mát ngôi chùa cổ kính. 
Lễ hội Ok Om Bok (Lễ hội Cúng trăng) được tổ chức hàng năm vào ngày mười bốn và Rằm tháng mười với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Lễ hội được tổ chức để tỏ lòng biết ơn đối với Mặt trăng, vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ người dân trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi và sự no ấm cho phum sóc. Cùng với Chol Chnam Thmay, Sene Dolta thì Ok Om Bok là một trong ba lễ hội quan trọng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quý khách sẽ được thưởng thức những điệu múa Lâm thôn của đồng bào dân tộc Khmer, biểu diễu nhạc ngũ âm, hoạt động thả đèn hoa đăng, xem các đoàn đua ghe ngo hừng hực khí thế, nhịp nhàng vững tay chèo lướt nhanh trên dòng sông Long Bình hò reo vui vẻ…
Xứ Trà còn có những điểm du lịch: Cù lao Tân Qui (Cầu Kè) có cây lành trái ngọt quanh năm, rừng ngập mặn Long Khánh (huyện Duyên Hải) với màu xanh bạt ngàn của rừng bần, rừng đước hay những món ăn hương vị đậm đà “Bún nước lèo”, tôm khô Vinh Kim, đặc sản “Bánh tét Trà Cuôn” thơm mùi nếp mới, Bánh canh Bến Có, Dừa sáp Cầu Kè nổi tiếng bốn phương… Điều làm du khách gần xa nhớ nhất khi đến vùng đất Trà Vinh là tình người Trà Vinh chân thành, ấm áp. Người Trà Vinh đón khách bằng một tấm chân tình, thật thà, niềm nở, giao tiếp và cư xử ôn hòa, nồng hậu. Sự hiền hòa, mến khách là một sợi dây bền chặt, một cái gì đó thắm thiết thân tình tạo nên sự quyến luyến “Khi xa thì nhớ, khi về thì thương”. Đất và người Trà Vinh, hôm qua hôm nay và mai sau vẫn thế, nhân ái thủy chung, nhiệt tình, hào sảng, đón khách như người thân mới về… Đến Trà Vinh sẽ cảm thấy sự gần gũi của những người dân trọng nghĩa, trọng tình. Trà Vinh luôn đẹp dịu dàng bên dòng sông Cổ Chiên, là vùng đất có nhiều điểm đến thu hút ánh nhìn, tạo được tình cảm, ấn tượng đẹp trong lòng du khách và con người Trà Vinh luôn thân thiện, ấm áp nghĩa tình, ấm nồng giữ khách. Tất cả những điều nói trên đã góp phần tạo nên thông điệp “Trà Vinh điểm đáng đến của vùng sông nước Cửu Long”./.

ĐINH THANH - DƯƠNG VĂN HƯỞNG

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 108
  • Trong tuần: 1 076
  • Tất cả: 594629