HƯỚNG TỚI BÌNH ĐẲNG GIỚI THỰC CHẤT
“Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn” (Albert Einstein). Hiện nay, công tác bình đẳng giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để xây dựng một xã hội thực hiện bình đẳng giới thực chất vẫn là bài toán lớn cần sự chung tay giải đáp của cả tập thể cộng đồng. 

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức

NHỮNG QUAN NIỆM VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
1. Bình đẳng giới hình thức là việc không xem xét đến sự khác biệt về sinh học và khác biệt do xã hội quy định, cho rằng phụ nữ và nam giới đều có cách tiếp cận cơ hội giống nhau và đối xử như nhau. Tại sao lại có quy định về hạng cân thi đấu hay tiêu chuẩn chuyên môn riêng biệt cho nam, nữ trong một số bộ môn thể thao mà không quy định chung cho cả hai giới? - Thực tế, về mặt y học, giữa nam và nữ đã có sự khác nhau về các đặc điểm sinh học – là yếu tố không thể thay đổi. Vì vậy việc đánh giá bình đẳng thông qua kết quả sẽ tạo nên gánh nặng cho phụ nữ, buộc họ phải thể hiện như nam giới.
2. Dù ý thức được sự khác biệt giữa nam và nữ tuy nhiên chỉ xem xét đến các điểm yếu của phụ nữ là quan điểm về bình đẳng giới mang tính chất bảo vệ (quá mức). Dù cho quan niệm trên đã có sự nhìn nhận về mặt khác nhau giữa nam và nữ, nhưng nhìn chung, quan niệm này cản trở sự lựa chọn của phụ nữ khiến họ mất đi nhiều cơ hội, đồng thời cũng thể hiện sự không công bằng đối với nam giới vì bình đẳng giới không chỉ là đấu tranh cho phụ nữ.
LIỆU CÁC QUAN NIỆM TRÊN ĐÃ LÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI THỰC CHẤT?
Bình đẳng giới thực chất là việc thừa nhận sự khác biệt về mặt sinh học và về mặt xã hội do lịch sử để lại giữa nam và nữ, tập trung vào yếu tố cơ hội – việc tiếp cận cơ hội và thụ hưởng cơ hội, đảm bảo hai giới đều có điều kiện phát triển như nhau, như việc được tôn trọng, chia sẻ, bàn bạc và ra quyết định trong mọi công việc của gia đình, xã hội; được học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực; cùng tham gia vào công việc quản lý lãnh đạo,…
Hoa hậu H’Hen Niê đã chia sẻ tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2018 trước đây do khó khăn, mẹ cô không mấy ủng hộ việc theo đuổi tri thức của con gái mà mong con sớm có chồng nhưng cô đã từ chối để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình và xuất sắc đạt top 5 chung cuộc - thành tích tốt nhất của Việt Nam tại đấu trường nhan sắc này. Trên thế giới, có những công việc tưởng chừng chỉ dành cho phụ nữ nhưng nam giới vẫn có thể làm rất tốt và thành công như: Đầu bếp Gordon Ramsay; Nhà thiết kế Christian Dior,… Nếu bản thân mỗi người thực sự có năng lực, quyết tâm thì giới tính không phải là rào cản cho sự phát triển mà chỉ có con người tự tạo nên định kiến giới cản trở sự phát triển của xã hội mà thôi.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới, trong đó đảm bảo bình đẳng giới thực chất thông qua việc ban hành quy định trong các chính sách pháp luật như: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” (Khoản 1 Điều 26 Hiến pháp năm 2013), Luật bình đẳng giới năm 2006 ra đời, cụ thể hóa nội dung bình đẳng giới trong 08 lĩnh vực, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới,… là những minh chứng cho thấy sự quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới thực chất ở Việt Nam.
VAI TRÒ CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN
Công tác bình đẳng giới là công việc trường kì, lâu dài đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của toàn thể chính quyền các cấp và nhân dân, đặc biệt là vai trò của người dân. Trong đó chú trọng các nội dung cụ thể như sau:
1. Đối với chính quyền các cấp:
- Chú trọng nâng cao công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đồng thời, quan tâm tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác bình đẳng giới đảm bảo có sự tham gia đồng đều giữa nam và nữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ sau tập huấn. 
- Thực hiện sơ kết, tổng kết và biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có đóng góp nổi bật, những đề xuất mô hình hiệu quả, thúc đẩy công tác bình đẳng giới tại địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Quan tâm hơn về kinh phí cho công tác bình đẳng giới nói chung và phụ cấp cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới nói riêng tạo động lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nâng cao tính bền vững, hiệu quả trong quá trình thực hiện công tác bình đẳng giới.
2. Đối với mỗi người dân: Chủ động học tập, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới; kịp thời phản ảnh với cơ quan chức năng có thẩm quyền hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; chia sẻ, phân công công việc hợp lý, đối xử công bằng đối với các thành viên trong gia đình; thực hiện và hướng dẫn người khác cùng thực hiện hành vi đúng mực về bình đẳng giới.
3. Đối với vai trò của Mặt trận Tổ quốc: Thực hiện tốt vai trò thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội,… liên quan đến công tác bình đẳng giới.
Mỗi người đều có những khả năng, sở trường riêng và xã hội cần tạo nên một môi trường công bằng để mọi người đều có thể phát triển toàn diện tiềm năng vốn có và mong muốn của họ, góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh, vì sự tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng bởi “Tất cả chúng ta không thể thành công khi một nửa trong số đó bị kéo lại” (Malala Yousafzai – người đồng đạt giải Nobel Hòa bình năm 2014).

CÁT TIÊN

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 85
  • Trong tuần: 697
  • Tất cả: 595346