Nhớ vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Minh Vương Nghiễn (1910-1986)
(Xuân Nhâm Dần 2022) Vương Nghiễn sinh năm Canh tuất (1910) tại làng Thanh Phước, quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh nhưng mãi đến 5 năm sau, cha mẹ ông mới đến làng để khai sinh. Vì vậy, trong giấy tờ, ông sinh năm Ất mão - 1915. Cha ông (cụ Vương Dung) là một nông dân nghèo, ít đất, gốc miền Trung phiêu dạt vào Tây Ninh kiếm sống nên rất chí thú, lam lũ làm ăn nhưng không may mất sớm để lại gánh nặng nuôi dạy bốn người con thơ dại lên vai người vợ trẻ (cụ bà Nguyễn Thị Phước). Và người đàn bà đáng kính ấy đã suốt đời thờ chồng nuôi con ăn học thành người bằng một gánh trầu cau mà hằng đêm bà phải lặn lội từ canh ba khắp các nhà vườn Thanh Phước, mang ra chợ Gò Dầu để bán lấy tiền nuôi con.  

Là anh cả trong một gia đình nhiều khó khăn như vậy, việc bút nghiên của anh Vương Nghiễn quả là không dễ dàng. Anh phải dành nhiều thời gian để chăm sóc các em, và phải đi bán bánh ít để phụ giúp gia đình từ năm lên 7… Chính vì vậy, dù đã hết sức cố gắng, mãi đến năm 25 tuổi (1935) anh mới lấy được bằng Thành chung từ trường Colègge de Tây Ninh. Thuở đó, có được bằng Thành chung xem như đã là vinh dự cho cả làng, cả xã và có thể dễ dàng được nhận vào bộ máy cai trị của chế độ thực dân. Do vậy, khi đến chúc mừng ông, nhiều gia đình danh giá đánh tiếng nhận ông làm rể và tạo điều kiện để anh về Sài Gòn tiếp tục việc học hành, ít nhất cũng lo cho ông chân thông ngôn, ký lục... trên tỉnh. Ông đã khẳng khái chối từ và ông đã nhận chân giáo viên tiểu học (sau khi học xong trường Normal Saigon) nhằm đem con chữ đến những thế hệ trẻ thơ và cũng để có chút ít tiền giúp mẹ tiếp tục nuôi các em mình ăn học.
Từ nỗi khổ nhọc của gia đình và của chính bản thân cộng với thực tế cuộc sống người nghèo trong những năm tháng dạy học đã giúp anh Vương Nghiễn ý thức phần nào sự bất công và nguyên nhân của nó. Chính vì vậy, khi Mặt trận Bình dân ra đời, Tỉnh ủy Tây Ninh chủ trương thành lập các Hội ái hữu, Hội tương tế...khắp nơi để thu hút quần chúng, anh giáo trẻ Vương Nghiễn đã tham gia và tích cực hoạt động trong Hội ái hữu học sinh và giáo chức. Ban đầu chỉ đơn thuần là việc giúp đỡ lẫn nhau trong việc dạy và học, dần dà thu thập ý nguyện, kiến nghị trong giới phục vụ cho việc đấu tranh chính trị với bọn cầm quyền thực dân. Mấy năm tham gia phong trào Dân chủ đã giúp Vương Nghiễn từ một học sinh, một anh giáo chăm chỉ trở thành một thanh niên có ý thức chính trị, tự nguyện dấn thân vào con đưòng đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Và qua đó, vào đầu năm 1938, với sự giúp đỡ và giới thiệu của các đảng viên thuộc Chi bộ Thanh Phước (Gò Dầu), đồng chí Vương Nghiễn chính thức đứng vảo hàng ngũ Đảng Cộng sản.
Nhận thấy các hoạt động của nhà giáo trẻ ngày càng mang đậm xu hướng chính trị không có lợi cho nhà cầm quyền thực dân, năm 1937, chúng điều anh về dạy học ở các tỉnh miền Tây Nam kỳ. Trong hai năm 1937, 1938 Vương Nghiễn lần lượt nhận nhiệm sở ở Rạch Giá rồi ở cần Thơ. 
Năm 1938, nhà giáo Vương Nghiễn được điều về Trà Vinh. Lúc này trong giới giáo chức Trà Vinh đã có được một đội ngũ đảng viên và có cảm tình với Đảng khá đông đảo, trưỏng thành từ các hoạt động của phong trào Dân chủ như thầy giáo Thọ, giáo Tài, giáo Tân, giáo Thăng, đồng chí Vương Nghiễn nhanh chóng hòa nhập với phong trào và trở thành nhân tố tích cực của Hội Ái hữu học sinh và giáo chức. Uy tín của ông ngày một nâng cao do các hoạt động có hiệu quả với phong trào cũng như do năng lực và phẩm chất của một nhà giáo trẻ có nhiều tâm huyét.
Trên bước đường dạy học và công tác, đồng chí Vương Nghiễn đã gặp gỡ vị điền chủ yêu nước làng Khánh Phước (nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành) là ông Cai Tổng Trịnh Khắc Lợi. Đồng chí Vương Nghiễn đã hướng các hoạt động yêu nước của vị nhân sĩ này vào quỹ đạo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau Cách mạng Tháng Tám, Cai Tổng Lợi trở thành Hội trưởng Nông hội tỉnh sau đó là Trưỏng ty Ngân khố trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Trà Vinh và ông đã có nhiều đóng góp để công cuộc kháng chiến tỉnh nhà vượt qua sự phong tỏa kinh tế gắt gao của địch. Vẹn việc chung và đẹp chuyện riêng, đồng chí Vương Nghiễn kết nghĩa đá vàng với cô Trịnh Thị Cải, trưởng nữ của ông Cai Tổng Lợi.
Những ngày Tháng Tám lịch sử, nhân dân Trà Vinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã vùng lên sôi nổi giành lẩy chính quyền. Đồng chí Vương Nghiễn và cả gia đình bên vợ đã tận tâm tận lực, góp phần xứng đáng vào thành tích chung của Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành, của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh.
Sau đó, đồng chí Vương Nghiễn được phân công tham gia công tác tại Ủy ban Hành chính lâm thời rồi Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh. Cùng với Giáo Tân, ông phụ trách bộ phận văn thư, hành chánh của Ủy ban.
Sau khi thực dân Pháp tái chiếm tỉnh Trà Vinh, đại bộ phận Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh rút về khu IX. Đồng chí Vương Nghiễn mất liên lạc với cơ quan lãnh đạo, ông tạm lánh về Phước Hảo rồi sau đó vượt sông Tiền sang Thạnh Phú (Bến Tre) để tránh sự khủng bố, trả thù của địch. Tại đây, ông lại mở lớp dạy học kiếm sống, chờ bắt liên lạc với Đảng, với tổ chức.
Tháng 6/1946, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Trà Vinh từ khu IX trở về, củng cố lại các tổ chức, bám địa bàn hoạt động. Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh (Mười Thanh) sang Thạnh Phú đón đồng chí Vương Nghiễn. Tháng 8/1946, tại Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh Trà Vinh, đồng chí Vương Nghiễn được chỉ định làm Chủ tịch. Tham gia lãnh đạo Mặt trận Việt Minh tỉnh Trà Vinh cùng với Vương Nghiễn, lúc này còn có ông Maha Sơn Thông (đại diện dân tộc Khmer), ông Nguyễn Hà (đại diện trí thức, công chức cũ), ông Nguyễn Văn Ân (tức Hòa thượng Thích Huệ Quang, đại diện tôn giáo)...
Tại Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh diễn ra vào tháng 10/1946, tại ấp Gò Cà, xã Nhị Long đã bầu ra Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ gồm 11 người, do đồng chí Phạm Thái Bường làm Bí thư. Đồng chí Vương Nghiễn được tín nhiệm bầu vào cương vị Tỉnh ủy viên phụ trách Mặt trận Việt Minh. 
Giữa quí III năm 1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh được tổ chức tại Long Toàn (Cầu Ngang). Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ gồm 13 ngưòi. Đồng chí Vương Nghiễn tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành, phụ trách Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) tỉnh Trà Vinh.
Những năm này, căn bệnh lao phổi mà ông mang trong người từ lúc còn đứng trên bục giảng có triệu chứng tái phát mỗi lúc một nặng thêm, ngày đêm hành hạ ông. Điều kiện khó khăn, thiếu thốn của cuộc kháng chiến không cho phép việc chữa chạy đến nơi đến chốn, mặc dù Tỉnh ủy và đồng bào vùng căn cứ tận tình thang thuốc. Sức khỏe ngày một suy kiệt, căn bệnh lao phổi tiến triển sang thời kỳ thứ ba, ông thường xuyên bị thổ huyết, phải sống cách ly với mọi người, kể cả vợ con mình.
Trước tình hình đó, đầu năm 1952, Tỉnh ủy đồng ý cho đồng chí Vương Nghiễn được thôi nhiệm vụ Tỉnh ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh để đồng chí hợp pháp về Sài Gòn chữa bệnh. Thời gian này, đối với y học nước ta, bệnh lao phổi vẫn là một trong những căn bệnh nan y, hơn nữa, bệnh nhân Vương Nghiễn đã ở vào thời kỳ thứ ba với thể trạng hoàn toàn suy kiệt nên việc chữa chạy rất khó khăn và kéo dài. Do vậy, Tỉnh ủy đồng ý để đồng chí tiếp tục ở lại Sài Gòn.
Sau khi sức khỏe tương đối ổn định, ông Vương Nghiễn xin vào làm kế toán cho một hãng tư trên đường Pasteur đế có điều kiện nuôi sống bản thân và gia đình. Điều đáng nói là dưới sự giáo dục của ông, cả tám người con lớn lên giữa đất Sài Gòn vẫn chú tâm ăn học và một lòng một dạ hướng về cách mạng.
Năm 1986, vì căn bệnh lao phổi tái phát quá nặng cộng thêm tuổi già, ông Vương Nghiễn đã từ trần vào ngày 22/10 (nhằm ngày 19/9 âm lịch, năm Bính dần ) hưởng thọ 76 tuổi, tại ngôi nhà riêng trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Tuy không phải là người con chánh quán đất Trà Vinh nhưng ông Vương Nghiễn đã xem vùng đất này như quê hương thứ hai của mình. Trà Vinh là nơi ông đã gắn bó, đã cống hiến trọn vẹn tuổi xuân tươi đẹp cho sự phát triển của Đảng bộ, của các phong trào cách mạng và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc tỉnh nhà. Trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Việt Minh và là người trực tiếp chỉ đạo Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) tỉnh Trà Vinh suốt 6 năm liền, từ 1946 - 1952, trong điều kiện hoạt động hết sức khó khăn và căn bệnh tai ác hành hạ kéo dài, bằng năng lực và uy tín cá nhân, ông đã có nhiều đóng góp để kiện toàn bộ máy Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở hình thành chỗ dựa vững chắc cho Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang các cấp. Nhiều cán bộ Mặt trận các cấp ở Trà Vinh được ông trực tiếp hướng dẫn, đào tạo đã trưởng thành đảm nhận các vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng hòa bình ở Trà Vinh. Hình ảnh Chủ tịch Vương Nghiễn có mặt khắp mọi nơi theo yêu cầu của thực tế chiến trường để vận động quần chúng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, vận động tòng quân giết giặc, vận động đóng góp cho kháng chiến, vận động ủng hộ các chiến dịch lớn chiến dịch cầu Kè, trận Ba Lang, đã là hình ảnh hết sức quen thuộc của thời kháng chiến chống Pháp đối với nhân dân Trà Vinh. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu có sức thuyết phục để các thế hệ cán bộ Mặt trận sau này noi theo.

Sưu tầm và biên soạn: TRẦN DŨNG

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 638
  • Tất cả: 595683