Giải pháp phát triển kinh tế, giảm nghèo vùng đồng bào Khmer
Với 34,7% dân số là đồng bào Khmer, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, huyện Cầu Ngang tập trung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhờ vậy đời sống đồng bào Khmer ngày càng phát triển rõ rệt, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer giảm 3,36% so với năm 2019.  

Thạch Thị Phe Ri, ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa thu hoạch ớt.

Xác định xây dựng đại đoàn kết các dân tộc là vấn đề quan trọng, huyện Cầu Ngang quan tâm đầu tư nguồn lực, hạ tầng, tạo sinh kế, y tế, giáo dục,... nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt là thực hiện các chính sách ưu đãi trong vùng đồng bào Khmer bằng nhiều hình thức như lồng ghép các nguồn vốn để phát triển vùng đồng bào Khmer từ các chương trình đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ sản xuất trong nông nghiệp, nước sinh hoạt, hỗ trợ  vốn vay ưu đãi, cây con giống, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, liên kết doanh nghiệp tạo đầu ra sản phẩm giúp người dân an tâm sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Cầu Ngang có 08 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, trong đó Kim Hòa là xã đầu tiên Chương trình 135 đạt chuẩn xã NTM. Trên cơ sở đó, huyện tập trung ưu tiên giảm nghèo bằng các hành động cụ thể như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với xuất khẩu lao động. Nhờ những chính sách này đời sống của đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các công trình phúc lợi của nhân dân ngày càng được hoàn thiện và phát triển mạnh. Sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến bộ mới. Về các xã có đông đồng bào Khmer vào những ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy phum sóc ngày càng khởi sắc. Hệ thống giao thông nông thôn các xã được thông thương, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, đường nối liền đường, nhà nhà có điện thắp sáng, những ngôi nhà tạm đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo qua từng năm trên địa bàn nhờ triển khai XDNTM gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Điển hình gia đình ông Thạch Hiệp, ấp Căn Nom, xã Trường Thọ đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi bò sinh sản. Theo ông Hiệp, thời đầu lập nghiệp, ngoài sản xuất hơn 0,5 ha đất lúa cha mẹ cho lúc ra riêng, đi làm phụ hồ thu nhập bấp bênh, tháng làm liên tục có tháng thất nghiệp. Cùng lúc này, gia đình ông được địa phương tạo điều kiện tiếp cận vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng mua 01 con bò sinh sản về nuôi. Ngoài nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa của gia đình, ông trồng cỏ và mua thêm rơm dự trữ phục vụ chăn nuôi, hiện chuồng trại ông lúc nào cũng duy trì từ 03 - 04 con sinh sản, bò sinh sản nuôi thúc khoảng hơn 06 tháng xuất bán, bình quân mỗi năm ông bán từ 01 - 02 con thu nhập vài chục triệu đồng. Nhờ có nguồn thu nhập này gia đình ông đã thoát nghèo hơn 03 năm nay.

Khác với ông Hiệp, gia đình bà Thạch Thị Phe Ri, ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa chọn hướng thoát nghèo bằng phương pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi đem lại hiệu quả cao. Bà Phe Ri cho biết: trước đây kinh tế gia đình bà gặp nhiều khó khăn, từ khi chuyển đổi 2.000 m2 đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng 02 vụ màu mang lại thu nhập cao, cuộc sống ổn định, từng bước thoát nghèo. Với diện tích trên, vụ màu năm 2021, bà trồng ớt chỉ thiên, giá bán tháng đầu tiên đúng vào thời điểm Tết 70.000 - 80.000 đồng/kg, thu nhập 50 triệu đồng, trừ chi phí 20 triệu đồng, lợi nhuận 30 triệu đồng. Theo bà Phe Ri, thu hoạch cổ 2, giá ớt giảm từ từ xuống còn 12.000 đồng/kg, nhưng giá này bà vẫn đạt lợi nhuận, ớt thu hoạch cổ 2, cổ 3 tốn chi phí đầu tư phân bón nhưng không nhiều. Ngoài những ngày thu hoạch ớt nhà, những lúc rãnh rỗi bà thu hoạch ớt thuê của những hộ lân cận kiếm thêm thu nhập 200.000 - 250.000 đồng/ngày.

Theo bà Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, những năm qua, huyện đã triển khai mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện các chính sách và chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội như mô hình nuôi bò, trồng màu, nhờ vậy mà hộ nghèo của huyện giảm đáng kể. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân trên địa bàn huyện đã chủ động trong phát triển kinh tế, lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên để phát triển sản xuất gắn với việc chuyển giao đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các mô hình như: chăn nuôi, trồng màu xen canh, luân canh,… Song song đó, huyện tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các mô hình sản xuất mới cũng như các kiến thức về tín dụng, thị trường, sử dụng đất đai có hiệu quả, thay đổi tập quán làm canh tác truyền thống, tự mình vươn lên trong sản xuất. Bên cạnh đó, huyện ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách ưu tiên hỗ trợ đồng bào Khmer. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Bài: Ngọc Hân

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 64
  • Trong tuần: 595
  • Tất cả: 596159