Thu nhập cao nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện Cầu Ngang đã tích cực vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang gieo trồng các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân trong huyện ngày càng được nâng cao. 

Ông Kim Sa Vết chăm sóc rẫy ớt

Xác định trồng hoa màu vừa ít tốn chi phí, dễ tiêu thụ, những năm gần đây bà Thạch Thị Lành, ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế đem lại không cao, những năm gần đây, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư cải tạo đất, lên liếp trồng rau màu ngắn ngày như bầu, bí, khổ qua trên diện tích gần 04 công, đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, đầu ra khá ổn định và thị trường tiêu thụ cũng ngày càng mở rộng. Theo bà Lành, từ khi chuyển đổi đất lúa sang trồng màu, gia đình bà có nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Nông sản làm ra đều có thị trường tiêu thụ, có thương lái đến tận ruộng để thu mua. Với bà Lành, ở đây giá bán nông sản ổn định và tiêu thụ dễ dàng vì số lượng sản xuất ra ít, lợi nhuận cao hơn lúa mà thời gian thu hoạch ngắn hơn. Nếu chuyên canh cây màu thì có lợi nhuận hơn cây lúa. Bà Lành cho biết thêm: so với làm lúa việc trồng màu tuy có vất vả hơn, nhưng cũng cho thu nhập kinh tế cao hơn gấp 03 - 04 lần. Từng là một trong các hộ nghèo của xã, đến nay, gia đình bà đã thật sự vươn lên thoát nghèo.

Còn với gia đình ông Kim Sa Vết, ấp Bào Mốt, xã Long Sơn được biết đến là một trong những hộ nông dân mạnh dạn đi đầu và khá thành công với mô hình trồng màu đầu tiên của xã. Ban đầu chuyển đổi đất lúa sang trồng màu gia đình ông chỉ trồng 01 vụ bắp, với diện tích đất khá ít nên thu nhập không bao nhiêu. Những năm gần đây, ông trồng rải 02 - 03 vụ màu các loại trong năm như ớt, bắp, cà chua thu nhập cao và ổn định, vươn lên khá giàu. Vụ màu năm 2020 - 2021, ông tập trung xuống giống ớt chỉ thiên trên diện tích 0,4 ha, trong đó có 0,2 ha đang thu hoạch, đầu vụ giá ớt cao khoảng 80.000 đồng/kg, ông thu hoạch liên tục 06 đợt bán thu hồi vốn và lời vài triệu đồng mua phân bón thúc ớt, hiện nay giá ớt tuy giảm còn 12.000 - 15.000 đồng/kg nhưng ông lời chắc cuối vụ khoảng 30 triệu đồng và 0,2 ha ớt kia đang giai đoạn phát triển tốt, giá ớt cổ 1 hiện nay đang dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Với giá này, kết thúc 02 đợt ớt ông thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.

 

Qua đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa đã góp phần giúp nông dân hạn chế rủi ro bởi thời tiết, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Thực tiễn sản xuất cho thấy, nhiều vụ luân canh, xen canh có giá trị thu nhập cao đã được áp dụng hiệu quả tại địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, những năm qua, huyện đã vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đầu tư kết cấu vật chất, hệ thống kênh mương thủy lợi; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trên cơ sở khai thác những lợi thế, tiềm năng về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nguồn lực lao động... Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, người dân đã nâng cao nhận thức, chủ động đưa các giống cây mới có giá trị kinh tế cao về trồng. Đến nay, huyện đã hình thành khá vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa với các sản phẩm rau màu thương phẩm với thu nhập 30 - 80 triệu đồng/ha. Hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã mở ra hướng đi mới giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nhờ chịu khó học hỏi, nắm bắt kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng với nhu cầu của thị trường, người dân trên địa bàn huyện Cầu Ngang đã tìm được hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay huyện hình thành vùng sản xuất liên kết, tạo đầu ra cho nông dân bằng cách liên kết hợp tác với các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trên địa bàn, từ đó không chỉ thể hiện sự chủ động của nông dân mà còn góp phần chung tay xây dựng nền nông nghiệp địa phương phát triển bền vững. Để công tác chuyển đổi đạt hiệu quả, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi, huyện phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo tổ chức tập huấn, hội thảo và hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, vận động nông dân khắc phục khó khăn, tranh thủ thời gian xuống giống làm đất, áp dụng các mô hình giống cây trồng phù hợp và cho hiệu quả kinh tế vào sản xuất thích ứng với điều kiện nắng nóng hiện nay.

Bài, ảnh:Kim Ngân

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 181
  • Trong tuần: 712
  • Tất cả: 596276